TÚ DUYÊN :: THỦ ẤN HỌA

A dedicated website has been launched by a fan. Created to highlight the work of woodblock printmaking, an art form and prints of highest artistic stage by Vietnamese artist Tu-Duyen!

“…Thủ ấn họa đã tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ khiến người coi cảm thấy có những sắc màu riêng biệt thích hợp với tâm trạng từng lúc, từng khi. Cái đó là do theo nguồn cảm hứng của họa sĩ tạo nên. Họa sĩ ấy là ai? Là TÚ DUYÊN vậy…”

Thursday, May 15, 2003

LÃO HỌA SƯ NAM SƠN

Ðầu năm 2002, tôi thật sự xúc động khi tình cờ đọc được trên mạng Internet tài liệu của Bộ Văn hóa Pháp, mục Base Arcade-Artistes, tên một họa sĩ Việt Nam trong số 10.140 nghệ sĩ thời danh của thế giới có tác phẩm được chính phủ Pháp mua để đưa vào bảo tàng Quốc gia. Ðó là cụ họa sĩ Nguyễn Nam Sơn (1890-1973), người Việt Nam duy nhất được dương danh, được có tên tuổi đứng bên cạnh tên tuổi của hơn một vạn người hoạt động nghệ thuật trong hoàn vũ như: Léonard de Vinci, Raphael, Titten, Véronèse, Rembrandt, Rubens, Van Dyck, Cézanne, Outamaro, Delacroix, Renoir, Rodin, Utrillo..., chả đáng tự hào lắm sao? Vậy nhưng khi tìm hiểu về cụ họa sĩ Nam Sơn, tôi vô cùng ngạc nhiên thấy tổ chức của ngành mỹ thuật nước ta hiện nay đã hầu như ít nhớ đến tên cụ. Một trong hai người sáng lập ra trường Mỹ thuật Ðông Dương năm 1925 cùng họa sĩ người Pháp Victor Tardieu (1870-1937), sau này trở thành Trường Ðại Học Mỹ Thuật Việt Nam, nơi đã đào tạo nên biết bao họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. 
         
Bậc thầy lớn:
Lão họa sĩ Công Văn Trung, nay đã trên 95 tuổi, xúc động nhắc lại ơn thầy Nam Sơn đã bỏ ra trên 10 buổi để "coi thi" cho một thí sinh duy nhất thi vào trường Mỹ thuật Ðông Dương khóa đầu tiên năm 1925. Nói cụ Trung là thí sinh duy nhất bởi hồ sơ xin thi của cụ đã gửi nhầm sang Pháp, khi gửi trả về Việt Nam thì đã chậm! Ðáng lý cụ Trung phải chờ đến năm sau khi trường Mỹ thuật tuyển sinh khóa II. Song thầy Nam Sơn đã không quản ngại bỏ thời giờ ra để...một thầy một trò hoàn thành nhiệm vụ trong lúc thầy còn đang bộn bề vì trăm ngàn công việc khó khăn của một ngôi trường mới có quyết định thành lập vào đầu thế kỷ 20 mà ngày nay chúng ta khó có thể hình dung nổi!
            
Họa sĩ Lương Xuân Nhị cùng họa sĩ "Thủ Ấn Họa" Tú Duyên, hai bậc lão thành trong làng mỹ thuật Việt Nam, đều dành những lời trân trọng và tấm lòng biết ơn vô hạn khi nói tới người đã thuyết phục được ông Victor Tardieu đứng ra thành lập cái "lò hội họa" đầu tiên của xứ Ðông Dương: cụ Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ. "Cái lò" ấy đã tạo ra những họa sĩ, nhà điêu khắc hàng đầu của nước ta như: Lê Phổ, Lê Văn Ðệ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Diệp Minh Châu, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên...
            
Cần tôn vinh:
Xin tôn vinh những người đáng tôn vinh. Ðó là cử chỉ đúng đắn và cần thiết. Nếu chúng ta quên cả thầy mình thì còn làm sao dậy nổi học trò chúng ta được nữa? Chẳng lẽ chúng ta lại phải nhường cho người nước ngoài làm việc đó thay ta khi họ đưa tên tuổi thầy chúng ta, danh nhân Việt Nam, vào sách báo của họ? 

(Hoài Việt | Pháp Luật)