TÚ DUYÊN :: THỦ ẤN HỌA

A dedicated website has been launched by a fan. Created to highlight the work of woodblock printmaking, an art form and prints of highest artistic stage by Vietnamese artist Tu-Duyen!

“…Thủ ấn họa đã tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ khiến người coi cảm thấy có những sắc màu riêng biệt thích hợp với tâm trạng từng lúc, từng khi. Cái đó là do theo nguồn cảm hứng của họa sĩ tạo nên. Họa sĩ ấy là ai? Là TÚ DUYÊN vậy…”

Thursday, November 25, 2004

TRANH MINH HỌA TRUYỆN KIỀU

Minh họa của
Mai Trung Thứ
in trong sách
Kim Vân Kiều -
NXB Văn Học
Paris - 9151 
Kể từ khi ra đời, gần 200 năm đã qua, Truyện Kiều vẫn là kiệt tác trong thơ ca tiếng Việt. Người Việt say mê đọc Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, hát trò Kiều, bói Kiều, viết giao hưởng hợp xướng về Kiều, có người còn viết hậu truyện Kiều dài đến 3000 câu. Năm 1965, học giả Đào Duy Anh còn biên soạn Từ điển truyện Kiều.  Cùng với các thể loại phong phú vừa nêu, còn một loại hình nghệ thuật nữa luôn được tồn tại song hành, đó là minh họa truyện Kiều.

Sở VH-TT Hà Tĩnh, quê hương của đại thi hào Nguyễn Du, vừa xuất bản Tranh minh họa truyện Kiều (TMHTK) do họa sĩ Lê Anh Tuấn sưu tầm, biên soạn. Sách 116 trang khổ 30x30 cm in bằng hai ngữ Việt và Anh. Sau Lời nói đầu là “Lời dẫn” của Lê Anh Tuấn. ở phần khảo cứu khá công phu này, sách in bìa truyện Kiều trong những lần xuất bản đầu tiên: Bìa Kim Vân Kiều truyện - Trương Vĩnh Ký - Bản in năm 1875; Kim Vân Kiều tân tập - Bản Quan Văn Đường in năm 1906 niên hiệu Thành Thái; Kim Vân Kiều  bản dịch tiếng Pháp của René Crayssac - nhà in Lê Văn Tân năm 1926. Phần chính có 207 minh họa truyện Kiều. Cuối sách in “Danh mục tranh” (nguồn, tác giả).

Để tạo sự nhất quán, tác giả chọn bản truyện Kiều (chú thích, chú giải và những tư liệu gốc) của Hà Huy Giáp và Nguyễn  Thạch Giang (NXB VH-TT 2000) cho việc in thơ dưới từng tranh minh họa.

Tranh minh họa truyện Kiều  được Lê Anh Tuấn sưu tầm qua nhiều ấn phẩm từng được xuất bản bằng chữ Nôm, chữ quốc ngữ từ năm 1875 đến nay và những tác phẩm truyện Kiều được dịch và in ở Pháp, Trung Quốc, Nga, Tiệp Khắc, Nhật Bản, Đức, Ba Lan, Anh, Italia… Tranh minh họa truyện Kiều  được chia làm ba loại: Tranh tác phẩm, tranh minh họa, tranh dân gian.

Đọc Kiều, ta thấy ngôn ngữ Việt được Nguyễn Du thể hiện rất mực tài tình. Mỗi câu thơ trong truyện Kiều đều giàu hình tượng và nhạc điệu (Tuyết in vó ngựa câu giòn/ Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời), chính điều đó đã khơi nguồn cảm hứng và chắp cánh sáng tạo cho các nghệ sĩ. Những họa sĩ sáng tác về các nhân vật trong truyện Kiều, có mặt trong sách đều là những tài danh: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tư Nghiêm, Phạm Thúc Chương, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Nguyễn Đức Nùng, Bùi Xuân Phái, Tú Duyên, Nguyễn Tiến Chung… “Những sáng tác của họ được thể hiện qua nhiều chất liệu: sơn mài, lụa, màu nước, khắc gỗ, bột màu v.v… tất cả được sáng tác trong thời kỳ sung sức của họ, nên đều có giá trị nghệ thuật cao. Vẻ đẹp ấy còn phong vị hơn nhiều khi những sáng tác xung quanh truyện Kiều đều mang đậm bản sắc dân tộc… Những nàng Kiều, nàng Vân, chàng Kim… từ con người, y phục, cảnh sắc, lầu ốc đã hoàn toàn thuần Việt. Chính vì vậy mà các tác phẩm của họ đã lột tả được bản sắc từng nhân vật trong truyện Kiều. Người họa sĩ đã gửi tâm trạng của mình, cốt cách mình, nhân hạnh mình để tạo dựng tác phẩm, nó vừa thanh cao trong nghệ thuật, vừa gần gũi giữa đời thường, đó là tấm lòng của các trí thức - họa sĩ, bởi vậy tác phẩm của họ mãi mãi gắn với hồn Việt ngàn năm” (trích lời dẫn).

(HNM)