32 hoạ sĩ của Hội mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đón chào
năm Ất Dậu bằng 47 bức tranh gà. Gà là con vật rất gần gũi với con người nên từ
ngàn xưa đã là đề tài cho hội họa đến bây giờ.
Với đề tài gà nhưng mỗi tác giả thể hiện theo cách nghĩ,
theo lối vẽ sở trường của mình. Xem tác phẩm Chọi Gà của Phan Mai Trực, tác giả
vẽ chàng thanh niên cầm gà lên ngắm nghía, nhiều người ở thành phố không hiểu
vì sao như vậy là chọi gà. Nhưng với người từng xem chọi gà thì thấy đây là một
thao tác trong trò chọi gà. Tranh mô tả người chơi gà đang “vô nước” cho gà
giữa hai hiệp đấu mà đỏ mặt tía tai, hy vọng gà mình thắng. Cùng một ý nghĩ
này, nhưng phong cách trình bày phảng phất nét tranh dân gian, Lê Xuân Chiểu
trên tranh khắc giấy lại thể hiện hai đứa trẻ đang ôm hai con gà chọi chuẩn bị
cho trận thư hùng trong bức Vào Hội. Còn dùng sơn dầu để mô tả nét văn hoá
truyền thống thì Vũ Trung Lương có bức Hùng Kê Quyền và Phạm Thanh Tâm có bức
Con Gà Tò He - món đồ chơi tượng hình gà được làm bằng bột có tô màu dành cho
trẻ con.
Mượn hình ảnh gà để thể hiện tình cảm gia đình, người ta
thấy có bức tranh sơn dầu Gia Đình Gà của Ngô Túy Phượng. Nhìn tranh của anh
người ta thấy đồng quê, một màu xanh thanh bình qua nét vẽ mộc mạc. Bức Gà
Trống Nuôi Con tranh vi tính của Mai Ngọc Sương, chủ đề quen thuộc được thể
hiện bởi phong cách hiện đại. Hai tác phẩm tranh giấy dán Tình Bạn của Đặng Thị
Dươn và Mừng Năm Mới của Nguyên Vũ góp phần làm phong phú thể loại cho hội
tranh gà tuy chưa được tinh xảo lắm. Nguyễn Ngọc Quế mô tả gia đình gà có ba
con và anh cho đó là hạnh phúc. Có lẽ đối với gà, ba con là tiêu chuẩn của kế
hoạch hoá gia đình!
Tính cách của họ nhà “kê”
Bức tranh sơn dầu Gà Trống của Lê Hiếu có lẽ là lớn nhất
(1,5 m x1,5 m) trong số tranh gà năm Ất Dậu. Anh chọn màu đỏ và vàng làm chủ
đạo phù hợp với nét xuân rực rỡ. Dáng gà trống kênh kiệu như phụng múa. Cùng
khắc họa Gà Trống, họa sĩ Phạm Ngọc Nga đã vẽ cả bốn chú gà trống đang ăn lúa
trong thúng, hoà bình và thân ái, nói lên cá tính gà trống không phải lúc nào
cũng hăm hở đá nhau. Tính cách gà được thể hiện nhiều nhất qua các tranh thuỷ
mặc của các tác giả Trương Hán Minh, Lý Khắc Phục. Với sở trường của mình , hoạ
sĩ Trương Hán Minh đã biểu diễn nét bút qua bức Kim Kê Hí Điệp, trong đó đôi
bạn gà đang đùa giỡn với bướm, cảnh yên bình thường thấy trong những buổi sáng
ở thôn quê, khi mặt trời đã lên cao. Lý Khắc Phục cũng dùng hai màu trắng đen
làm chủ đạo nhưng có thêm hai màu đỏ và vàng để làm rõ mào gà và chân, mỏ gà,
đưa hình tượng bầy gà trống hướng về một hướng để rồi gắn lên tiêu đề bức tranh
là Kết Đoàn. Lão họa sĩ Tú Duyên, một thời nổi tiếng với thủ ấn họa, nay cũng
góp phần với tác phẩm Giặc Đến Nhà, mô tả chị gà mái hùng dũng chống lại đàn
diều hâu, bảo vệ các con.
Chào xuân
Tranh gà nhưng có pha nét xuân nhiều nhất là tranh thủy mặc.
Nào là Nghênh Xuân của Trần Văn Hải, Hót Xuân của Trương Hán Minh và Nhịp Điệu
Chào Xuân của Lý Khắc Nhu, mỗi tranh mỗi vẻ, nhưng gây ấn tượng cho người xem
là Nhịp Điệu Chào Xuân, mô tả một đàn gà cùng nhảy bước nhịp nhàng, sử dụng ít
nét giản đơn nhưng hiệu quả cao! Các họa sĩ theo trường phái trừu tượng, lập
thể cũng làm cho người xem thích thú vì phải động não như các tranh Gà Mái, Gà
Vàng của Uyên Huy, Năm Dậu của Lê Triều Điển. Gà Vàng còn chứa thêm tính cách
thời sự khi chung chủ thể gà bị bao vây bởi virus H5N1. Hội tranh gà với chủ đề
rõ ràng như thế, nhưng hoạ sĩ Trịnh Thanh Tùng vẫn cố tình “xổ lồng” qua 2 bức
vẽ thiếu nữ khỏa thân ôm gà và đặt tên cho hai bức là Gà Đất và Gà Rừng, nghe
có vẻ ngây thơ, nghiêm túc.
Lương Minh