TÚ DUYÊN :: THỦ ẤN HỌA

A dedicated website has been launched by a fan. Created to highlight the work of woodblock printmaking, an art form and prints of highest artistic stage by Vietnamese artist Tu-Duyen!

“…Thủ ấn họa đã tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ khiến người coi cảm thấy có những sắc màu riêng biệt thích hợp với tâm trạng từng lúc, từng khi. Cái đó là do theo nguồn cảm hứng của họa sĩ tạo nên. Họa sĩ ấy là ai? Là TÚ DUYÊN vậy…”

Monday, December 31, 2007

SƯU TẬP MỸ THUẬT SÀI GÒN TRƯỚC NĂM 1975 TẠI BẢO TÀNG MỸ THUẬT TP. HCM

Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh là bảo tàng chuyên ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi sưu tầm, lưu giữ và trưng bày hiện vật mỹ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam. Một trong những bộ sưu tập nghệ thuật quý của phần mỹ thuật đương đại mà Bảo tàng sưu tầm được trong thời gian qua là sưu tập mỹ thuật Sài Gòn trước năm 1975, gồm các tác phẩm hội họa và điêu khắc của các họa sĩ và điêu khắc gia Sài Gòn giai đọan 1954 – 1975. Có thể xem đây là bộ sưu tập mỹ thuật đặc sắc thể hiện đặc trưng của mỹ thuật miền Nam thời bấy giờ.

Bộ sưu tập mỹ thuật Sài Gòn trước năm 1975 có khoảng 50 tác phẩm hội họa với các loại chất liệu như lụa, sơn dầu, sơn mài, sơn mài trên giấy, khắc gỗ – thủ ấn họa và 103 tư liệu, phác thảo tranh, trong đó có 50 tư liệu, phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Số tác phẩm điêu khắc có 7 tác phẩm với chất liệu đá, đồng, bêtông. Ngoài ra, còn một số tác phẩm hội họa được sáng tác trước năm 1954 gồm 9 tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy như “Tỷ tài Đế Thích” (lụa) 79x40cm của Nguyễn Nhật (1935), “Thiếu nữ đàn” (lụa) 100x47cm của Lê Văn Huệ (1939), “Vịnh Hạ Long” (sơn mài) của Ủ Văn An, “Tĩnh vật” (sơn dầu) 63x88cm của Nguyễn Phi Hoanh (1942), ”Trầu cau”, “Tạm biệt”, “Đánh ghen” (khắc gỗ – thủ ấn họa) của Tú Duyên (1952), “Thiếu nữ xưa” (lụa) của Lưu Đình Khải (thập niên 50) và 2 tác phẩm điêu khắc “Mùa xuân” 34x30cm (đá), “Cô gái Lèo” 49x40cm (đồng) của điêu khắc gia Lê Văn Mậu (1952).

Các tác phẩm hội họa giai đoạn 1954 – 1975 được sáng tác bởi các họa sĩ là giảng viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, sau này là Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn như Lưu Đình Khải, Đỗ Đình Hiệp (xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương), Bùi Văn Kỉnh, Nguyễn Trí Minh, Nguyễn Văn Rô, Trần Kim Hùng, Trương Thị Thịnh, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung… (xuất thân từ trường Mỹ thuật Gia Định), đặc biệt còn có các họa sĩ bậc thầy về sơn mài như Nguyễn Gia Trí, sơn dầu như Văn Đen, khắc gỗ – thủ ấn họa như Tú Duyên [5, 64 - 73].

Những tác phẩm có chất liệu lụa gồm tranh “Đại lộ kinh hoàng” 95x115cm của Phạm Hoàng (1973); sơn dầu gồm tranh “Phong cảnh” 45x60cm của Trần Quang (1959), “Bến thuyền” (1960), “Quán cóc” 60x73cm của Văn Đen - họa sĩ thường vẽ theo chủ đề đời sống lao động dân dã bình dị, màu sắc tranh của ông nóng ấm, thiên về màu nâu đất trong một không khí tranh tối tranh sáng. Tranh “Ông và cháu” 81x65cm của Trần Kim Hùng (1960). “Vá lưới” 60x90cm của Thái Văn Ngôn (thập niên 60 của thế kỷ XX). Tranh “Hai thiếu nữ” của Nguyễn Trung (1961), “Tĩnh vật hoa” 55x64cm của Nguyễn Văn Rô (1963), “Cô gái” 150x100cm của Lê Chánh (1964), “Tĩnh vật” 64x80cm của Nguyễn Trung, “Tĩnh vật” 69.5x87.5cm của Nguyễn Lâm (1966). Nguyễn Lâm là một trong những họa sĩ trẻ chuyên về tranh sơn dầu theo trường phái biểu hiện. Có thể xem đây là thời kỳ đầu của con đường nghệ thuật của ông, với tranh sơn dầu cỡ nhỏ thể hiện cuộc sống dân dã, những xóm nghèo. Sau đó, tranh của ông trở nên tươi sáng, nhẹ nhàng hơn, chuyên về sơn mài và thể loại trừu tượng. Ông cùng với một số họa sĩ trẻ tuổi thời bấy giờ như Nguyễn Phước, Hồ Hữu Thủ đoạt các giải thưởng “Hội họa mùa xuân” được tổ chức hàng năm (1960 – 1963). Tranh “Ra chợ” 72x88cm của Nguyễn Siên, “Buồn hoang” 70.5x75.5cm của Nguyễn Lâm (1969), “Phong cảnh” 44x46cm, “Trừu tượng (phố)” 73.5x40cm, tranh “Thuyền trên sông” của Nguyễn Trí Minh, tranh “Thiếu nữ khỏa thân” của Trương Văn Ý (thập niên 1970 của thế kỷ XX). Tranh “Cảnh chiều” 80x95cm của Nguyễn Huy Dũng (1971), “Chân dung tựhọa” của Trương Thị Thịnh, họa sĩ nữ đầu tiên xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Bà theo trường phái ấn tượng, tranh của bà có màu sắc mạnh mẽ nhưng êm đềm. Tranh “Thiếu nữ và chinh” của Hồ Hữu Thủ, “Phong cảnh Bến Đá”, “Phong cảnh xóm lưới” của Huỳnh Văn Mười (Uyên Huy), “Nude” của Bé Ký - họa sĩ được xem là hiện tượng của mỹ thuật Sài Gòn, bà thường vẽ ký họa lên lụa về hoạt cảnh dân dã hàng ngày, rất được ưa chuộng đối với du khách. Tranh “Cất cánh” (1972) của Tạ Tỵ. Ông là họa sĩ nổi tiếng từ trước năm 1954 về đường lối lập thể, nhưng tranh của ông vẫn là một điều lạ lẫm trong mắt quần chúng, có hướng nghiêng về trang trí, được trau chuốt, tính toán về màu và nét. “Chiến tranh và trẻ thơ” của Trần Kim Hùng. Ông còn là giảng viên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và là người luôn tìm tòi để phát triển nghệ thuật theo nhiều phong cách, không theo trường phái riêng biệt nào. Tranh “Trừu tượng” của Nguyễn Phước (1972) - ông là một họa sĩ rất năng động và sáng tạo. Tranh của ông đa dạng về thể loại và chủ đề từ hiện thực đến trừu tượng, màu sắc được sử dụng rất ít, lấy màu nâu nhạt làm chính, đường nét đơn giản, bút pháp nhẹ nhàng. Tranh “Cá khô” 70x90cm của Tô Minh (Chí Cường), “Xóm nghèo” 57x80cm của Lê Thị Hiền (1973), “Thiếu nữ và hoa” (1974) của Nguyễn Trung, “Trung thu” 60x80cm của Hồ Thành Đức (1975); sơn mài gồm tranh “Chùa vàng” 60x65cm (1958), “Phong cảnh Suối Rút” 100x100cm (1960). “Bến thuyền sông Hồng” 63x77cm (1962), ”Phong cảnh” 67x55cm (1963) của Ủ Văn An - ông là một trong nhữnghọa sĩ Nam Bộ đầu tiên thi đỗ và tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa X, 1934 – 1939). Đây cũng là giai đoạn các họa sĩ Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Trần Quang Trân, Tô Ngọc Vân đang tìm tòi, khám phá kỹ thuật sơn mài, đồng thời là giai đoạn sơn mài Việt Nam bước sang giai đoạn mới – sơn mài mỹ thuật với những thay đổi về màu và vận dụng kỹ thuật hội họa phương Tây. Ủ Văn An là một trong những họa sĩ tài năng của giới mỹ thuật Việt Nam. Ông là người giản dị, trầm lặng và với ông, thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ được thể hiện trên chất liệu sơn mài truyền thống. Tranh của ông vừa lung linh huyền ảo, vừa thơ mộng, bình dị và gần gũi. Tranh “Trừu tượng” 30x40cm (1966 – 1967) của Nguyễn Văn Trung. Tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” 200x540cm (1969 – 1989) của Nguyễn Gia Trí - con người của lao động trí tuệ và tài năng, của lòng say mê và âm thầm lao động. Ông không chỉ là họa sĩ có một kỹ thuật tuyệt vời về sơn mài, mà trong ông còn có một sự mẫn cảm kỳ lạ để chặn bắt được những giây phút tinh hoa nhất của nghệ thuật. Nghệ thuật tranh của ông là sự lung linh tráng lệ của chất liệu, sự ẩn hiện của sắc độ, của hình và bóng, của đường và nét. Nguyễn Gia Trí là một trong mười họa sĩ được công nhận có công lao trong việc xây dựng nền nghệ thuật đương đại Việt Nam. Sơn mài trên giấy có tranh “Bà mẹ” 58x44cm (1973) của Nguyễn Văn Trung; chì có tranh “Thiếu nữ” (Thập niên 50 của thế kỷ XX) của Trần Dzụ Hồng; Bột màu có tranh “Chân dung Nhật Tiến” 47x32cm (1965); khắc gỗ – thủ ấn họa in trên lụa gồm tranh “Tiễn chồng” (1954), “Trần Bình Trọng” 90x50cm (1959), “Đờn ca” (1963), “Mùa Đông” (1965) của họa sĩ Tú Duyên. Họa sĩ là người sáng tạo ra lối vẽ và in tranh màu bằng lụa trên mộc bản mà ông gọi là thủ ấn họa – dùng mười đầu ngón tay thay bút để trộn và bố trí màu sắc cho một bức tranh trên bản gỗ khắc, để khi đặt lụa lên in lột hình, những màu sắc được bố trí sẽ hiện lên nét uyển chuyển, ảo huyền mà dùng bút và cọ khó lòng vờn vẽ được [5, 64 - 73], [1, 145 – 148], [3, 13 – 14 và 34 – 35], [3, 11 -13].

Các tác phẩm điêu khắc giai đoạn này được sáng tác bởi các điêu khắc gia là giảng viên, hiệu trưởng trường Kỹ thuật Biên Hòa (1964 – 1973) xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương, giảng viên Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định và Cao Đẳng Mỹ thuật Huế [4,43].

Tác phẩm có chất liệu đá là pho tượng “Bóng xế tà” 54x43cm (1964); pho tượng “Quang Trung khải hoàn” 45x35cm (1966), “Lê Lợi khởi nghĩa” 56x50cm (1968), “Chân dung phụ nữ Nam Bộ I”, “Chân dung phụ nữ Nam Bộ II”, “Chân dung tự họa” (thập niên 60 của thế kỹ XX) của điêu khắc gia Lê Văn Mậu. Tác phẩm “Đám rước” của ông trong cuộc triển lãm của giáo sư E. Jonchère và sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1939 tại Hà Nội được nhận xét “với cách bố cục cùng với sự tìm tòi về phong cách thể hiện, đã dự báo đây là một nghệ sĩ tài năng”. Chất liệu bêtông có pho tượng “Cô gái Tây Nguyên” (1972) của Mai Chửng [3, 11 và 13].

Hoạt động của mỹ thuật Sài Gòn giai đoạn 1954 – 1975 đã ít nhiều tạo luồng sinh khí mới trong giới sáng tác nghệ thuật. Các nhóm, hội ra đời (nhóm Sáng Tạo (1955 – 1960), hội Họa sĩ Trẻ (1966 - 1975)) có quan niệm sáng tác gần với nghệ thuật hiện đại phương Tây, đề cao tự do, truyền bá các dòng tư tưởng mới, tổ chức triển lãm. Bằng các triển lãm và ý kiến có chất lượng, các nhóm hội đã xác lập được uy tín trong dư luận nghệ thuật (Nguyễn Lương Tiểu Bạch, 2005).

Hiện nay Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh có kế hoạch sưu tầm và hy vọng có thể tiếp tục bổ sung vào bộ sưu tập mỹ thuật đương đại của Bảo tàng các tác phẩm hội họa và điêu khắc của các tác giả tên tuổi Sài Gòn trước năm 1975 như họa sĩ Văn Ba, Bùi Văn Kỉnh, Lê Tùng, Nguyễn Sao, Ngô Viết Thụ, Hồng Cẩm, Nhan Chí, Đào Sỹ Chu, Trịnh Cung, Đinh Cường, Ngọc Dũng, Trần Đắc, Tôn Thất Đào, Hiếu Đệ, Lê Tài Điển, Đỗ Quang Em, Đoàn Giáp, Ngô Văn Hoa, Dương Văn Hùng, Nguyên Khai, Đào Thị Khanh, Hà Khê, Châu Văn Lang, Nguyễn Phi Long, Đặng Hoài Nam, Thái Văn Ngôn, Nguyễn Cao Nguyên, Cù Nguyễn, Lê Cao Phan, Tố Phượng, Lê Thị Quang, Nguyễn Tăng, Duy Thanh, Huỳnh Thành, Trần Văn Thọ, Trần Đình Thụy, Nguyễn Khoa Toàn, Phạm Văn Trí, Lâm Triết, Phạm Đình Tín, Thái Tuấn, Huy Tường, Nghy Cao Nguyên, Trương Văn Ý, Vị Ý, Kim Mỵ Yên… ĐKG. Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Văn Thế, Nguyễn Thanh Thu…

Hơn ba mươi năm thống nhất đất nước, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã có hai mươi năm hoạt động và trưởng thành. Một trong những định hướng trọng tâm sưu tầm của Bảo tàng là các tác phẩm nghệ thuật thể hiện đặc trưng của mỹ thuật miền Nam giai đoạn 1954 – 1975. Hiện nay, ngoài một số họa sĩ  Sài Gòn đang sống ở nước ngoài, một số người đã mất, còn đa số họ vẫn tiếp tục làm việc và sáng tác tại TP. Hồ Chí Minh. Các tác phẩm xưa của họ còn lại không nhiều, hiện đang lưu giữ tại gia đình hoặc ở “thị trường mỹ thuật” trong nước. Để thực hiện công tác sưu tầm, bằng sự nỗ lực lớn của Bảo tàng và sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng đã sưu tầm được một số tác phẩm hội họa và điêu khắc có giá trị mỹ thuật cao. Tuy vậy, do nguồn kinh phí hạn chế trong tình hình khó khăn chung của đất nước, Bảo tàng đã để vuột khỏi tầm tay nhiều cơ hội sưu tầm những tác phẩm có giá trị và ý nghĩa lịch sử của giai đoạn này. Trong tương lai, từ định hướng sưu tầm của mình, Bảo tàng sẽ tiếp tục vận động và sưu tầm bổ sung cho các bộ sưu tập hiện vật, đặc biệt là hiện vật thuộc phần mỹ thuật đương đại ngày càng đầy đủ, phong phú hơn, nhằm mục đích làm rõ nét về tính đặc thù của mỹ thuật miền Nam qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, xứng đáng là nơi có đầy đủ tư liệu và giới thiệu một cách hệ thống về một nền mỹ thuật đại diện cho khu vực phía Nam của Tổ quốc.

(Nguyễn Thành Thi)          

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Lương Tiểu Bạch (2005), “Mỹ thuật Việt Nam hiện đại”, NXB Mỹ thuật Hà Nội, tr. 145-148.
2.  Mã Thanh Cao (2006), “Họa sĩ Ủ Văn An và các tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh”, Thông tin Mỹ thuật số 13-14, tr.34-35.
3. Nguyễn Kim Loan (2007), “Họa sĩ Việt Nam chân dung và sáng tạo”, NXB Mỹ thuật, tr. 11, 33.
4. Trần Cương Quyết (2003), “Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai – 100 năm hình thành và phát triển”, NXB Tổng hợp Đồng Nai, tr. 43.
5. Nguyễn Trung (2000), “Mỹ thuật Sài Gòn 1954 - 1975, Kỷ yếu hội thảo mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20”, NXB Mỹ thuật Hà Nội, tr. 64 – 73.