“Ôn cố tri tân” là phương châm rất tốt của người Việt nói
lên sự thủy chung của người khách quan và cầu tiến. Tìm hiểu, đánh giá, thậm
chí là kế thừa hay rút kinh nghiệm trong việc đào tạo mỹ thuật với tinh thần
khoa học là sự cần thiết. Vậy thì chúng ta thử vén một chút về hội họa Sài Gòn
xưa bằng sự tìm về loại hình tranh lụa thuở nào.
Hội họa Sài Gòn trước 1975 chính thức khởi sắc kể từ khi có
sự ra đời của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, năm 1954, do cố họa sĩ
Lê Văn Đệ thành lập và một số họa sĩ Hà Nội di cư từ miền Bắc vào. Sự góp mặt
của một số họa sĩ từ miền Bắc như Lê Thanh, Ngọc Dũng, Tạ Tỵ, Vị Ý, Thái Tuấn
trong nhóm “Sáng tạo” … đã góp phần làm cho không khí sáng tác sôi động hơn
lên. Sự ra đời này là mốc lịch sử cực kỳ quan trọng trong nửa sau thế kỷ 20 tại
miền Nam. Nó mở ra một trung tâm đào tạo nhân lực, nhân tài tại phía Nam về mỹ
thuật tạo hình. Lúc này cũng có một số họa sĩ, nhà điêu khắc du học tại nước
ngoài trở về Sài Gòn tham gia trong hoạt động mỹ thuật làm cho không khí sáng
tạo sôi động hơn trước.
Khóa I Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn tốt nghiệp
năm 1957, ở khóa này dường như không có họa sĩ học chuyên về tranh lụa. Trên
thực tế, trước khi có trường QGCĐ Mỹ thuật Sài Gòn thì tại đây có các họa sĩ
học từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trở về và cũng có một số họa sĩ từ Hà Nội
vào làm việc tại Sài Gòn cũng như họa sĩ Gia Định đã vẽ tranh lụa như Lê Văn
Đệ, Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn Long, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, Châu Văn Lang,
Tú Duyên, Hồ Thị Linh.
Hai họa sĩ Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ (sau này lấy bút danh
là Mai Thu) vốn tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Còn Tú Duyên và Hồ Thị
Linh thì chỉ học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương một thời gian (họa sĩ Tú Duyên
vốn vẽ tranh lụa trước khi làm tranh thủ ấn họa). Riêng họa sĩ Châu Văn Lang
thì xuất thân từ Trường Mỹ nghệ Gia Định. Ông này vào Trường Mỹ nghệ năm 1942,
cùng khóa với họa sĩ Hoàng Trầm, Nguyễn Trí Minh, Văn Ky, Đoàn Giỏi (sau này
còn là nhà văn),… Bản thân họa sĩ Lê Văn Đệ là danh họa về tranh lụa. Quê của
ông ở Bến Tre, học và tốt nghiệp thủ khoa khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông
Dương. Ông là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã (Prix de
Rome). Sau ông, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người Việt Nam thứ hai đoạt giải
này.
Tranh lụa là một ngành học được giảng dạy tại Trường Quốc
gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn như là một chuyên ngành trong ban hội họa. Nó
được coi ngang hàng với các chuyên ngành khác như sơn dầu, sơn mài. Ngành hội
họa hồi ấy có ba ban: sơn dầu, sơn mài và tranh lụa. Tuy nhiên sinh viên không
tự chọn học riêng về sơn mài thì được học cùng một lúc cả tranh lụa và sơn dầu
trong suốt chương trình. Do vậy khi thi tốt nghiệp thì sinh viên hội họa tự
chọn một trong hai chất liệu thể hiện là tranh lụa hay sơn dầu. Để hỗ trợ cho
việc học tranh lụa thì nhà trường có dạy môn thủy mặc do họa sĩ Đới Ngoạn Quân
từ Nam Kinh định cư ở Sài Gòn giảng dạy.
Các khóa họa kế tiếp 2, 3, 4, 5, … trường tiếp tục cho ra
đời các sinh viên với nhiều chuyên ngành: sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, điêu
khắc, … Đặc biệt khóa 3 là khóa sinh viên học chuyên khoa lụa khá đông. Nhiều
sinh viên trong số có tên dưới đây trở thành họa sĩ chuyên về tranh lụa sau
này: Nguyễn Văn Trung, Trần Thị Hiếu Hạnh, Nguyễn Văn Thương, Trương Văn Ý, Lưu
Tấn Phước, Nguyễn Hồng Lang, Nguyễn Hoàng Hoanh, Đỗ Mạnh Tường, Vũ Thị Ngà, Đỗ
Hoàng Oanh, Lưu Văn Quan, Hồ Thị Diệu Tâm, Vương Ngọc Em, … Họa sĩ Nguyễn Thị
Tâm là người đạt điểm rất cao về bài tranh lụa thi tốt nghiệp Sư phạm mỹ thuật
(sau khi tốt nghiệp chuyên khoa xong, các sinh viên nào muốn trở thành giảng
viên mỹ thuật thì theo học thêm chuyên khoa Sư phạm mỹ thuật).
Tám năm sau khi thành lập Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật
cũng là giai đoạn cho thấy sự bắt đầu sự lớn mạnh của hội họa đất Sài Gòn, đồng
thời cũng là lúc bộc phát sự mở rộng mối giao lưu quốc tế về mỹ thuật. Sự kiện
này dẫn theo sự chính thức đổi mới nhiều trong ngôn ngữ, khuynh hướng sáng tác.
Sự kiện lịch sử cực kỳ quan trọng của hoạt động mỹ thuật đất
Sài Gòn lúc đó chính là cuộc Triển lãm quốc tế từ 16/10 đến 15/11/1962 với sự
tham gia của các họa sĩ trên 20 nước đến từ các châu lục: Âu, Úc, Á và Mỹ. Hồi
ấy, ngoài chất liệu sơn dầu, sơn mài thì tranh lụa cũng cho thấy một lực lượng
khá phong phú mà cây đại thụ Lê Văn Đệ vẫn tỏa sáng sở trường tranh lụa.
Từ 1962 cho đến đầu thập niên 1970 tại Sài Gòn, lực lượng
họa sĩ vẽ tranh lụa và có tham gia triển lãm được báo chí chuyên môn nói tớ có
thể kể tên như Lê Văn Đệ, Trần Văn Thọ, Nguyễn Khoa Toàn, Ngô Văn Hoa, Trần
Đắc, Lưu Tấn Phước, Châu Văn Lang, Võ Minh Nghiệm, Vương Ngọc Em, Nguyễn Văn
Minh, Hồ Thị Linh, Nguyễn Văn Thương, Đỗ Thị Tố Oanh, Đỗ Thị Tố Phượng, Mạnh
Trần, Trần Công Diệc, Trương Đình Quế, Trần Hiếu Hạnh, Nguyễn Uyên, Nguyễn
Hoàng Hoanh, Hiếu Đệ, Trương Văn Ý, Lê Văn Bình, Nguyễn Vũ, Phạm Vĩnh Tường,…
Riêng ở miền Trung thì có các họa sĩ chuyên vẽ tranh lụa: Tôn Thất Đào, Tôn
Thất Văn,…
Theo ngôn ngữ tranh lụa truyền thống thì các họa sĩ nói trên
đều tuân thủ kỹ thuật vẽ nhuộm sớ lụa, tạo sự lung linh, mờ ảo, tinh tế. Các
họa sĩ theo bút pháp loại này là Lê Văn Đệ “Nắng hè”, Tôn Thất Đào với bức “
Đàn thập lục”, Vương Ngọc Em “Mừng tuổi”, Lưu Tấn Phước “Lạc thú thôn quê”,
Nguyễn Văn Minh “Thiếu nữ hái sen”, Nguyễn Văn Thương, Đỗ Thị Tố Oanh, “Tóc
huyền” của Trương Văn Ý, “Kiều mơ Đạm Tiên” của Trương Đình Quế.
Còn họa sĩ Trần Văn Thọ thì hơi thiên về cách tạo hình có
tính trang trí với nét cong, như bức “Gặp gỡ xa xưa”, “Khối tình Trương Chi”;
họa sĩ Trần Đắc thì bố cục theo tranh dân gian như trong các bức: “Ngày mùa
nông trang”, “Hội mùa xuân”. Họa sĩ Nguyễn Khoa Toàn, Nguyễn Cao Nguyên thì
thiên về diễn nét, như bức “Lê Lợi nhận gươm thần”, “Hát bội”, … Phong cách
dùng nét của hai ông này gần giống như họa sĩ thủ ấn họa Tú Duyên.
Về sáng tác, các tranh thời đó quanh quẩn trong các đề tài
như: vẽ về con người trong thi ca, truyền thuyết như Truyện Kiều, Trương Chi, …
trong lịch sử như “Lê Lợi nhận gươm thần” của Nguyễn Khoa Toàn, “Khởi nghĩa”
của Nguyễn Hoàng Hoanh. Vẽ về tình mẹ con và trẻ em như “Đàn thập lục” của Tôn
Thất Đào, “Tắm con” của Đỗ Thị Tố Oanh, “Mẹ con” của Đỗ Thị Tố Phượng,… Đề tài
sinh hoạt đời thường cũng được các họa sĩ vẽ như “Nhà bè” của Tôn Thất Đào,
“Thuyền về” của Châu Văn Lang, “Thiếu nữ gánh lúa” của Ngô Văn Hoa, “Trang
điểm” của Trần Công Diệc, “Tóc huyền” của Trương Văn Ý, “Tình mẹ” của Võ Minh
Nghiệm, “Thiếu nữ hái sen” của Nguyễn Văn Minh,… Ngoài các đề tài nêu trên, có
một số ít vẽ về đề tài tôn giáo: Bùi Văn Kỉnh, Hồ Thị Linh, Lê Văn Bình,…
Trong giải thưởng Văn học Nghệ thuật Sài Gòn ở cuối thập
niên 1960 đầu thập niên 1970 có một số hoa sĩ đạt giải thưởng về chất liệu này.
Điển hình là tác phẩm “Khởi nghĩa” của họa sĩ Nguyễn Hoàng Hoanh sáng tác về đề
tài cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của ba anh em Nguyễn Huệ. Đây là tác phẩm lụa rất
đẹp.
Thế hệ kế tiếp đến giữa thập niên 70 có Trần Huệ Dung, Hạc
Oanh, Nguyễn Thúy Loan, Phạm Vĩnh Tường (đạt Giải thưởng hội họa Esso về tranh
lụa 1972), Lê Minh Hiệp, Quỳnh Hương, Hoàng Thị Lập Hoa, Nguyễn Háo Thoại, … và
nhà sưu tập hội họa có nhiều tranh lụa nhất là cha cố Thanh Hiệp ở chủng viện
Giuse ở Sài Gòn.
Nói chung, trong dòng nghệ thuật hội họa trước 1975, nghệ
thuật tranh lụa ở Sài Gòn cũng có vai trò và đóng góp đáng kể trong ngôn ngữ hội
họa lúc bấy giờ. Với ngôn ngữ đặc trưng của chất liệu, các họa sĩ tranh lụa hầu
như đi theo khuynh hướng truyền thống là chính, với các đề tài bình dị nói lên
tấm lòng của mình với quê hương.
(U.H. | Thông Tin Mỹ Thuật)