Triển lãm mang tên Tranh in khắc 2009 do Chi hội Đồ họa Hà
Nội đứng ra tổ chức đã diễn ra từ ngày 1 đến 13 tháng 7 năm 2009 tại Nhà Triển
lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Triển lãm tập hợp trên 100 tác phẩm sáng tác trong 5
năm lại đây của 47 tác giả đang và chưa là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ban
tổ chức triển lãm gồm các thành viên Ban Chấp hành Chi hội Đồ họa Hà Nội. Nhìn
chung, đây là một triển lãm chuyên đề tranh in, khắc đã phần nào động viên cho
phong trào sáng tác tranh đồ họa in ấn đang rất trầm lắng trong một thập kỷ gần
đây. Về vấn đề chất lượng nghệ thuật, tính chuyên nghiệp của triển lãm thì cần
phải mạnh dạn và thẳng thắng nhìn nhận là không đáng kể. Theo lời giới thiệu
của Ban tổ chức triển lãm thì “Ngành đồ họa coi triển lãm này như một dấu ấn
của chặng đường ngắn về sáng tác của các họa sỹ chuyên ngành, rút kinh nghiệm
cho những bước đi tiếp của tranh in khắc trong những năm tới”. Tuy nhiên, vẫn
như thói quen của đa phần người Việt, Ban tổ chức đã chưa thể hiện việc rút
kinh nghiệm như thế nào cho tương lai gần của nền nghệ thuật tranh in ở Hà Nội
ngoài hai bài viết cùng của họa sỹ Đỗ Đức - một thành viên của ban - đăng trên
báo điện tử Văn hoá & Thể thao ngày 8/7/2009; Bài viết với tựa đề Phải khắt
khe thì mới “nâng tầm” được” và bài viết Giấc mơ con đăng trên TCMT số tháng
7/2009 của tác giả này đã thể hiện tình trạng thiếu chuyên nghiệp vẫn thắng thế
trong sáng tác tranh in khắc ngày nay. ý họa sỹ Đỗ Đức muốn nói là các tác giả
phải khắt khe hơn với chính mình trong sáng tác tranh in và hội đồng tuyển chọn
tranh cho triển lãm cũng phải khắt khe hơn trong công việc của mình (để không
thông qua những tranh sáng tác cách đây đến 10 năm như ở triển lãm này ! -
NNP). Điều đó thật đúng. Nhưng khắt khe phải đi cùng với cái nhìn, sự hiểu biết
chuyên nghiệp và tinh thần dân chủ, không định kiến. Đọc bài nói trên của Uỷ
viên BCH Chi hội Đồ họa thì người quan tâm đến triển lãm tranh in khắc lần này
nghĩ là nó thất bại: tranh khắc gỗ chỉ là đứa trẻ to xác, hời hợt, mờ nhạt, cũ
kỹ và buồn tẻ; tranh khắc kim loại thì thiếu bản sắc dân tộc; tranh in độc bản
thì nhạt, ít tương lai mặc dù chiếm số lượng áp đảo (1). Nếu xem triển lãm và
vựng tập một cách chú tâm, bằng con mắt nhà nghề thì sẽ thấy ngay đây là ý kiến
theo kiểu vơ đũa cả nắm, thiếu cái nhìn cụ thể, chân xác. Tuy ít, nhưng đã thấy
một số những trăn trở về thực trạng đời sống xã hội đương thời trong nội dung
và đặc biệt là những xuất hiện mới (với nước ta) trong kỹ thuật in như: in
tranh khắc gỗ nhiều màu bằng mực in gốc dầu, khả năng vờn tả sâu bằng kỹ thuật
mezzotint và mềm mại của sáp charbonaise ở tranh khắc kim loại, khả năng chuyển
tải hiệu ứng ảnh của in đá trên bản pronto. Nói đặc biệt bởi sự phát triển kỹ
thuật chế bản và in ấn luôn là phần quan trọng và không thể tách rời của lịch
sử phát triển nghệ thuật tranh in khắc ở mỗi quốc gia. Riêng với tranh in độc
bản thì không thể phủ nhận là không có vấn đề gì. Nguyên do của những vấn đề
như hoà lẫn tính cách, cái nhìn thẩm mỹ; na ná giống nhau giữa các tác giả như
ông Đỗ Đức nhận xét cũng không khó lý giải. Số tranh in độc bản tham gia triển
lãm chủ yếu là những sáng tác đầu tay bằng kỹ thuật này của các họa sỹ hội viên
(đa phần chuyên sâu ở các bộ môn đò họa hay kỹ thuật khác hoặc không được đào
tạo về độ họa trước đó) tại các trại sáng tác đồ họa do Hội Mỹ thuật tổ chức.
Chất lượng không chuyên của tranh in độc bản ở triển lãm này không thể là căn
cứ đánh giá về bản chất hay đời sống của một phương tiện sáng tác mỹ thuật có
bề dày lịch sử. Có quá chủ quan không khi tác giả của bài viết trên báo điện tử
Văn hoá và Thể thao cho rằng phương pháp in độc bản là cách sáng tác dễ dãi,
căn bản dựa vào sự may rủi? Có quá bất cẩn không khi ông cho rằng: “Nói bây giờ
có thể là quá sớm nhưng quả thật kỹ thuật này ít hứa hẹn tương lai cho những
tác phẩm có giá trị”?. Đến đây phải nhớ lại là những tác phẩm giá trị trong
nghệ thuật không bao giờ do phương tiện hay kỹ thuật sáng tác làm ra mà là do
cá nhân hay nhóm nghệ sỹ sáng tạo, chúng được quyết định bởi tài năng, bản lĩnh
của nghệ sỹ. Thực tế Tranh In Độc bản đã trở thành một phần hữu cơ của nghệ
thuật tranh đồ họa từ nhiều thế kỷ. Và thật ngẫu nhiên, cũng trong tháng 7 này,
từ ngày 1 đến 18 tại thành phố San Jose đã diễn ra cuộc hội ngộ hoành tráng của
các họa sỹ tranh in độc bản của Mỹ với tên gọi Monotype Marathon 2009 do ICA
(Institute of Contemporary Art) tổ chức. Các thông tin về triển lãm này được
đưa trên rất nhiều trang web quốc tế. In độc bản là phương pháp sáng tạo tranh
in chỉ cho ra một bản in duy nhất bằng cách vẽ, vạch, lau chùi... màu hay mực
in trên mặt phẳng in không thấm nước như kính, mica, kim loại... rồi in ra
giấy.
Cho đến nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau... những ghi
nhận lịch sử khác nhau về thời gian xuất hiện của kỹ thuật tranh in độc bản
(monotype/monoprint) (2). Tuy vậy, giới nghiên cứu nghệ thuật tranh in thường
cho rằng lịch sử tranh in độc bản có thể xuất phát từ những bức tranh in từ bản
khắc kim loại vào thập niên 1620 của họa sỹ người Đức Hercules Seghers
(1589-1638). Trên bản khắc đồng họa sỹ đã bôi màu bằng tay và không lau sạch
như để in lõm, sau đó đặt giấy lên rồi in. Từ bản khắc ông chỉ in vài tranh và
cố tình làm cho chúng không giống nhau. Thử nghiệm in ấy của ông cho ra kết quả
là những bản in hoàn toàn khác nhau. Mỗi bản là một tranh in duy nhất, không hề
có lặp lại về màu và sắc độ. Kỹ thuật ấy của ông cho phép ta liên tưởng đến
phương pháp in độc bản (mà trong tiếng Anh gọi là monoprint) ngày nay. Những
tranh in kim loại kiểu ấy của Seghers thuộc về một trong những tìm tòi, thử
nghiệm độc đáo và ấn tượng nhất trong lịch sử nghệ thuật tranh in. Tranh in
theo phương pháp này của Seghers có ít bản in và rất hiếm. Danh họa Rembrandt
sinh thời sở hữu một số và chúng có ảnh hưởng nhiều đến nghệ thuật của ông.
Ngoài Seghers, Giovanni Benedetto Castiglione (1609-1670),
người ý, cũng được đánh giá là cha đẻ của phương pháp in độc bản. Một bộ phận
trong giới nghiên cứu tin rằng ông là họa sỹ đã sáng tạo ra bức tranh in độc
bản đúng nghĩa đầu tiên. Phương pháp in của ông là: sau khi lăn ru-lô phủ một
lớp mỏng mực in đen hoặc nâu trên bề mặt bản đồng, ông dùng mũi dao cùn vẽ
những nét trắng tạo hình. Để lấy các mảng sắc độ khác nhau ông sử dụng bút lông
cứng, ngón tay, giẻ... Bản đồng đó được đưa qua máy nén để được bức tranh in
chỉ có một không hai. Kỹ thuật tạo bản in này giống như cách làm mà chúng ta
đang thực hiện ngày nay và trong tiếng Anh người ta gọi nó bằng thuật ngữ
monotype.
Như vậy, theo những ghi nhận mang tính lịch sử trên đây, cả
Hercules Seghers và Benedetto Castiglione đều là những người đã khai sinh nghệ
thuật tranh in độc bản. Kỹ thuật in của Seghers được gọi là monoprint, và
phương pháp in của Castiglione là in monotype. Hai phương pháp tạo bản in này
vẫn được các họa sỹ hôm nay khai thác và được xác định là hai kỹ thuật của một
loại tranh in - tranh in độc bản. Để hiểu rõ hơn đặc thù của hai kỹ thuật trên,
xin được tóm lược sau đây. Kỹ thuật monoprint cho ra những tranh in không giống
nhau về màu sắc, đậm nhạt, thậm chí là cấu trúc bố cục, nhưng trên các tranh đó
có sự lặp lại của một đường nét hay hình ảnh (hoặc nhiều hơn). Sở dĩ có sự lặp
lại ấy là vì đường nét, hình ảnh (hay những đường nét, hình ảnh) đó được khắc trên
bản in hoặc được tạo sẵn để lồng ghép với bản in. Trong khi đó kỹ thuật
monotype cho ra tranh in duy nhất, không hề có bất kỳ sự lặp lại của hình ảnh
hay đường nét nào. Với kỹ thuật này, mỗi lần chế bản in là một lần dùng mực in
vẽ hay lăn ru-lô lên bề mặt in (thường là ngẫu hứng theo ý đồ định trước trong
đầu hoặc hoàn toàn vô thức). Cách tạo hình ngẫu hứng hay vô thức thì, như chúng
ta biết, không thể lặp lại.
Trước khi tranh in độc bản trở nên phổ biến, vào cuối thế kỷ
18 họa sỹ người Anh William Blake (1757-1827) đã bắt đầu sử dụng kỹ thuật in
độc bản như một phương tiện tạo hình độc lập. Ông trở thành một trong những họa
sỹ quan trọng đi đầu chuyên sáng tác bằng kỹ thuật monotype. Blake dùng tempera
vẽ trên bìa cứng và tạo hình, tạo chất... cũng như chất lượng nghệ thuật cho bố
cục rồi sau đó in ra giấy.
Sau Blake và những thành công của ông, quá trình in mà chúng
ta gọi là “in độc bản” đã bị lãng quên. Đến tận cuối thập kỷ 60 của thế kỷ 19
mối quan tâm đến các thử nghiệm “lau màu” trên mặt phẳng cứng mới được sống lại
khi các họa sỹ ấn tượng trẻ tuổi bị cuốn hút bởi những khả năng sáng tạo tranh
nhiều màu do mực in đem lại. Lúc đầu những thử nghiệm in ấy có vẻ chịu nhiều
ảnh hưởng từ kỹ thuật in ảnh thời sơ khai: phối hợp các hình ảnh đen trắng và sự
tương phản giữa chúng. Kể từ đó tranh in độc bản được biết đến rộng hơn và
khẳng định mình với tư cách một phương tiện tạo hình độc lập. Nhiều họa sỹ của
trường phái ấn tượng nói riêng và các họa sỹ ở Pa-ri nói chung đã ít nhiều sáng
tác tranh bằng phương pháp in độc bản (chủ yếu là monotype). Edgar Degas
(1834-1917) lúc đó được người bạn, họa sỹ, nhà điêu khắc Ludovic-Napoleon Lepic
(1839-1889) giới thiệu “những bức vẽ- in” (khi đó tranh in độc bản được gọi như
vậy). Ludovic Lepic đã tạo đậm nhạt cho bố cục bằng cách lau, chùi, gạt... mực
in, sơn dầu đã phủ trên mặt kính rồi lại bổ xung tiếp các màu khác cho đến khi
có được sự phong phú về màu sắc và hoàn chỉnh về bố cục rồi mới in ra giấy. Nhờ
phương pháp của Lepic, Degar đã bắt đầu sáng tác tranh in độc bản từ năm 1874.
Khi đó ông đã cùng với Lepic sáng tác tác phẩm Vũ sư ba lê nổi tiếng của mình.
Từ đó ông thường xuyên sáng tác tranh in độc bản và cho ra đời khoảng 650
tranh, trong đó có nhiều tác phẩm giá trị. Những năm cuối thế kỷ 19 đã chứng
kiến sự nở rộ của tranh in độc bản. Tranh in độc bản xuất hiện cùng những tên
tuổi lớn của lịch sử mỹ thuật. Camille Pissarro (1830-1903) đã sáng tác loạt
tranh in độc bản mang sắc thái ấn tượng - Biểu hiện. Paul Gauguin (1848-1903)
đã phát triển kỹ thuật in riêng cho mình. Ông phủ mực in hoặc sơn dầu lên một
tờ giấy, sau đó đặt tờ khác đè lên và dùng bút chì cứng hay que gỗ vẽ mạnh tay
sao cho mực in bám vào tờ giấy bên trên. Kỹ thuật này tạo cho Gauguin bản tranh
in độc đáo với nhiều nét màu sắc phong phú. Sau Gauguin, Paul Klee (1879-1940)
phát triển tiếp kỹ thuật này và cho ra đời những tranh in làm say đắm lòng
người. Từ thời gian này trở đi tranh in độc bản được thực hiện rộng rãi và
thường xuyên hơn bởi các họa sỹ tên tuổi. Danh họa Pierre Bonnard (1867-1947)
đã in hàng trăm tranh in độc bản giàu màu sắc bằng tay hay ru-lô trên những tấm
kính và kim loại. Từ Picasso, Chagall, Miro, Dubuffet, Matisse cho đến rất
nhiều nghệ sỹ đương đại đã từng sáng tạo ra những tác phẩm in độc bản hiếm có.
Những hiệu quả thẩm mỹ mà tranh in độc bản đem lại không hề được thấy ở các kỹ
thuật in tranh khắc hay hội họa cho dù tranh in độc bản được vẽ (trên mặt phẳng
in) và được in. Có thể xác định đó là cái đẹp đặc biệt, hàm chứa tính tổng hoà
của các biểu hiện thẩm mỹ của nghệ thuật hội họa, đồ họa và họa hình.
ở Việt Nam, tranh in độc bản theo những phương pháp, kỹ
thuật nói trên được các họa sỹ biết đến và thực hành từ đầu thập kỷ 90 của thế
kỷ 20. Còn theo họa sỹ Trương Văn ý (nguyên trưởng khoa Trang trí Thiết ấn,
Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định) thì từ năm 1953 “thủ ấn hoạ” (cách
gọi khác về tranh in độc bản) trên lụa đã được họa sỹ Tú Duyên sáng tạo ra. Ông
Tú Duyên in tranh của mình từ hai bản gỗ, một bản khắc lấy nét, một bản chỉ để
lấy màu (dùng bút lông bôi màu lên mặt gỗ) (3). Liệu kỹ thuật của ông có liên
quan đến cách in tranh bằng bột màu từ bản gỗ (không khắc hoặc khắc rất ít)
được nhiều người áp dụng cho đến ngày nay?
Đến đây, chúng ta buộc phải quay về với triển lãm Tranh In
Khắc 2009 bởi bức tranh mà tác giả của nó gọi là tranh khắc gỗ Gặp gỡ trên
nương. Với cách thể hiện và hiệu quả tạo chất trên bức tranh này thì bất kỳ họa
sỹ tranh in chuyên nghiệp nào trên thế giới đều không dám nghĩ đó là tranh khắc
gỗ. Nói chân thành thì đó chỉ có thể là tranh in độc bản từ ván gỗ, bởi không
thể có bản thứ hai như thế hoặc kỹ thuật tổng hợp (vì nền tranh được vẽ bằng
mực nho). Nhân đây mạo muội xin được lấy ý kiến trong giới chuyên môn và rộng
rãi cộng đồng về tên gọi của kỹ thuật in tranh từ ván gỗ hay tấm thạch cao bôi
bột màu ngẫu hứng mà như cho đến giờ chúng ta vẫn gọi là khắc gỗ, khắc thạch
cao (nhưng thực tế những ván in ấy không được khắc).
Với đặc tính không hạn chế về kỹ thuật, vật liệu hay không
gian thực hiện, với ưu điểm về giá trị tác phẩm nguyên gốc duy nhất, tranh in
độc bản đang ngày càng được nhiều họa sỹ trên thế giới thực hành và trở thành
phương tiện sáng tác chính của một phần trong số họ. Hy vọng trong tương lai
gần sẽ có những họa sỹ Việt Nam chuyên tâm sáng tác tranh in bằng phương pháp
in độc bản. Đó là cơ sở để mong chờ những tác phẩm tranh in độc bản giá trị.
Ngoài tranh in độc bản, hy vọng ở triển lãm lần sau sẽ có sự góp mặt của tranh
in đá đúng nghĩa (chứ không chỉ tranh in đá trên giấy), tranh in lưới đã vắng
bóng lần này và có thêm các chất liệu, kỹ thuật mới hay của loại tranh in không
độc hại... non-toxic mà giới tranh in khắc quốc tế đang hướng tới.
Nguyễn Nghĩa Phương