TÚ DUYÊN :: THỦ ẤN HỌA

A dedicated website has been launched by a fan. Created to highlight the work of woodblock printmaking, an art form and prints of highest artistic stage by Vietnamese artist Tu-Duyen!

“…Thủ ấn họa đã tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ khiến người coi cảm thấy có những sắc màu riêng biệt thích hợp với tâm trạng từng lúc, từng khi. Cái đó là do theo nguồn cảm hứng của họa sĩ tạo nên. Họa sĩ ấy là ai? Là TÚ DUYÊN vậy…”

Thursday, January 20, 2011

MỸ THUẬT: THUẬN MUA, THÌ BÁN ...

Bán

Chiều 23.6, không kìm nổi sự hân hoan, bà Thu Hà - chủ phòng tranh Tự Do - thông báo: Một doanh nhân đã đồng ý mua một nửa (10 bức) triển lãm (TL) tranh "Lụa" của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn (diễn ra từ 6-20.6). Trong hai mươi năm làm nghề tổ chức TL, mua bán tranh, đây là lần vợ chồng bà Thu Hà thu được kết quả khả quan về tinh thần lẫn vật chất.

Tiêu chí tổ chức TL của phòng tranh Tự Do: Họa sĩ vẽ nhiều, có nét riêng, nhất quán trong phong cách, có quá trình làm việc ổn định. Tranh TL của các họa sĩ thường đề giá từ 500-2.000USD. "Cũng có những TL, chúng tôi không bán được bức nào. Thu nhập của phòng tranh về cơ bản, trông vào những tranh treo mỗi ngày - bà Hà nói - Hiện du khách vẫn là "nguồn" mua tranh chính.

Đây là điểm khó nhất trong việc tiêu thụ tranh tại nước ta hiện nay. Điểm sợ nhất đối với một chủ phòng tranh là tình trạng họa sĩ thấy một "dạng..." tranh của mình bán được, bèn cứ thế lặp lại mình. Thời điểm này, việc bán tranh bị chậm lại. Khẩu vị mua tranh của khách, theo chúng tôi, không thay đổi. Về nguyên tắc, tranh đẹp, có phong cách riêng, vẫn bán tốt. Khách mua tranh người Việt bây giờ thường phải là người rất vững về kinh tế".

"Nhìn chung, loại tranh "dễ nhìn, dễ hiểu" hiện vẫn có đầu ra ổn định" - họa sĩ Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM - nói. Tại TL "Hương sắc miền Tây" của họa sĩ người Tiền Giang là Phúc An (khai mạc 16.6, BT Mỹ thuật TPHCM), 5/32 tranh sơn dầu tả thực cây trái miền Tây đã được bán cho chủ một resort của Phan Thiết.

Trong số những TL tổ chức tại trụ sở Hội Mỹ thuật TPHCM gần đây, TL tranh thủy mặc của họa sĩ Trương Hán Minh bán được nhiều nhất - phần lớn là những tranh thể hiện ý tứ tài, lộc, bình an được các chủ doanh nghiệp mua. Một số họa sĩ như: Nguyễn Thanh Bình, Hứa Thanh Bình, Tấn Cương, Lim Khim Katy... là những người có thể bán được tranh vào thời điểm này.

Mua

Chiều 23.6, Hội đồng nghệ thuật (gồm đại diện Sở VHTTDL, Hội Mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM...) họp về việc mua tác phẩm của nhà điêu khắc Tô Sanh - tác giả của 300 tượng toàn thân, bán thân các vị lãnh tụ, lãnh đạo trong nước, quốc tế, giới trí thức, văn nghệ sĩ...

Từ mấy năm trước, ông Tô Sanh đã đề nghị TPHCM mua các tác phẩm của ông, kèm đơn đề nghị, ông photocopy những lời nhận xét của một số vị lãnh đạo về tác phẩm... Ngoài ra, được biết, trong việc đề nghị bán tác phẩm, cũng còn có lý do nhà ông Tô Sanh chật, không lẽ cứ đặt mãi tượng các vị lãnh đạo, lãnh tụ ở ngoài hiên nhà... Điều này, cũng có khiến những người quản lý mỹ thuật TPHCM bối rối.

Không lẽ việc mua tác phẩm cũng là vì... hoàn cảnh? Theo quyết định của Hội đồng nghệ thuật, 3 bức tượng của ông Tô Sanh sẽ được mua: Chân dung tác giả, chân dung NSND Phùng Há, nhạc sĩ Văn Cao. Tuy nhiên, việc mua tác phẩm vẫn chưa giải quyết xong vì còn lấn cấn ở chỗ không còn bản gốc bằng thạch cao tượng Phùng Há, Văn Cao...

"Chúng tôi tán thành chủ trương Nhà nước mua tác phẩm nghệ thuật. Quan điểm của tôi: Nhà nước có "con mắt xanh" mua tác phẩm mỹ thuật, ngoài chuyện không để "chảy máu nghệ thuật" của các tác giả nổi tiếng, còn có thể để đó, làm quà tặng cho khách, hay trang trí trong phòng tiếp khách. Nghệ sĩ chúng tôi, xem chương trình thời sự trên tivi, hay để ý tới tranh treo phòng tiếp khách của các vị lãnh đạo hay tranh tặng cho khách..." - họa sĩ Uyên Huy nói.

Sáng 24.6, trao đổi với chúng tôi, họa sĩ - nhà điêu khắc Thành Thi -Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm-Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM - cho biết: "Định hướng lớn trong việc mua tranh của bảo tàng hiện nay: Những tác phẩm đặc trưng của mỹ thuật miền Nam, ký họa kháng chiến, hội họa tại miền Nam trước 1975.

Hai lần mua tranh gần đây nhất của bảo tàng là mua bộ 23 tranh của họa sĩ Kim Bạch và 52 bản khắc của Tú Duyên - họa sĩ cao niên, nổi tiếng với tranh thủ ấn họa. Chúng tôi hiểu rằng, tiền mua tác phẩm nghệ thuật cũng là tiền đóng thuế của người dân. Cần kỹ. Tuy nhiên, quy trình mua tác phẩm có nhiều khâu, kéo dài thời gian, do đó, quy trình mua tác phẩm nên nhanh, linh hoạt hơn...".

(Thùy Ân | Báo Lao Động)