Giữa những bức tranh tươi sáng, nồng ấm vẽ về
thiếu nữ cố đô, phong cảnh sông Hương, thỉnh thoảng vẫn đan xen vài bức thu
vàng, mùa đông bên sông Bug (Ba Lan) như một cách điểm xuyết phòng tranh. Đó là
cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên ở Việt Nam của họa sĩ Hoàng Ngọc Hữu – họa sĩ
người Việt tại Ba Lan, do gallery Lotus tổ chức, diễn ra tại 92 Lê Thánh Tôn,
quận 1, TPHCM.
Chọn lọc trưng bày 65 bức tranh sơn dầu, với chủ
đề Hồi tưởng, Hoàng Ngọc Hữu đã giới thiệu với người xem những trang hồi ức của
ông về quê hương xứ Huế trong suốt thời gian xa quê gần 40 năm. “Tôi vẽ bằng
tâm tưởng, bằng tâm tình bột phát, bằng những phút giây khi ngôn ngữ viết trên
những trang giấy gặp bế tắc không đủ sức diễn tả tâm trạng nhớ quê da diết của
một người Việt xa xứ…”, họa sĩ Hoàng Ngọc Hữu bày tỏ. Thế nên, quê hương trong
tranh ông được thể hiện vừa rất thực, vừa rất huyền ảo, uyển chuyển như những
giấc mơ.
Huế trong tranh Hoàng Ngọc Hữu trước hết là ký
ức của tuổi thơ nhớ về những ngày lễ hội Múa Rồng đậm chất văn hóa dân tộc; là
dịp Trẩy hội, Hành hương đầu xuân, Lễ chùa và ấn tượng lạ lùng về cảnh Lên đồng
đầy thu hút với âm vang rộn rã của những người phụ nữ hát chầu văn. Huế xưa
trong nỗi nhớ của tác giả còn là hình ảnh của sen thành Nội, của cây cổ thụ bên
hồ Tịnh Tâm, của những con đò, bến nước bên bờ Hương giang và đặc biệt nhất là
hình ảnh các cô gái Huế được vẽ khá nhiều trong tranh Hoàng Ngọc Hữu.
Không sử dụng nhiều các gam màu tím, màu sen,
màu xanh rêu phong của thành quách thâm trầm, cổ kính thường thấy trong tranh
về Huế, gam màu chủ đạo trong tranh Hoàng Ngọc Hữu thường tràn ngập sắc vàng
tươi, vàng sậm, đỏ, nâu, tạo cảm giác ấm, nóng. Đó là những cảm xúc hoài niệm
về quê hương thật đẹp, lộng lẫy. Tuy vậy, vẫn có những sắc thái tạo thế cân
bằng, hài hòa, êm ái hơn cho tranh ông khi nước là hình ảnh được gợi lên khá
nhiều trong những bức vẽ, qua bóng hình của con sông, dòng suối, ao, hồ…
Xuất thân ban đầu là một kỹ sư ngành đóng tàu,
nhưng yêu quý văn học nghệ thuật và chính hội họa đã giúp Hoàng Ngọc Hữu gặp
lại quê hương bằng cuộc hành trình nghệ thuật của ông. Không phải dễ dàng khi
đứng giữa hấp lực và áp lực của hai nền văn hóa phương Đông, phương Tây nhưng
Hồi tưởng cũng chính là sự lựa chọn về cội nguồn không có gì cưỡng lại của tác
giả.
Xem tranh ông, người thưởng thức có cảm giác bắt
gặp một chút phảng phất tính chất dân gian - hiện đại của các họa sĩ Nguyễn Tư
Nghiêm, Tú Duyên, đồng thời cho thấy sự tiếp nhận tính chất phương Tây khá linh
hoạt của tác giả. Đó cũng là nét riêng đặc sắc của tranh Hoàng Ngọc Hữu.
(Kim Ửng | SGGP)