Năm 1930 Giáo sư Họa sĩ Nam Sơn đã viết một cuốn sách rất giá trị: “ La Peinture Chinoise" - Hội họa Trung Hoa (bằng tiếng Pháp) in tại nhà in nổi tiếng Lê Văn Phúc - Hà Nội. Trong đó ông trình bày một tư tưởng nghệ thuật chủ đạo: Thiên nhiên - nguồn mạch “vĩnh cửu và vô tận” của hội họa, đặt viên gạch đầu tiên gây dựng nền móng học thuật của người Việt Nam, làm cơ sở lý luận để nghiên cứu và tìm kiếm những đặc tính á Đông cho nền hội họa Việt Nam nhằm cung cấp thêm hiểu biết cho sinh viên. Đó là cuốn sách mỹ thuật bằng tiếng Pháp đầu tiên do một người Việt Nam biên soạn và xuất bản.
Làm việc ở một trường mỹ thuật chính quy, phải dạy vẽ theo phương pháp hàn lâm châu Âu, song ông còn viết cuốn sách "Hội hoạ Trung Hoa" (1930) để đưa ra "Tuyên ngôn nghệ thuật phương Đông", hướng dẫn sinh viên đi thăm các di tích văn hoá - nghệ thuật để trau dồi vốn cổ và lắng hồn dân tộc. Ông luôn nhắc học sinh "học vẽ với thầy chỉ là một, điều quan trọng là phải phát huy đến trăm lần khi ra đời" - lời của hoạ sĩ Tú Duyên nhớ lại và đăng trên báo "Sài Gòn giải phóng" năm 1996. Và, rất tâm đắc với quan điểm của Ottaviano Petrucci "Đã đến lúc nền văn minh chung của của nhân loại muốn có bước đi tiếp trên quả đất, cần phải biết hoà nhập, thu thái những dị - đồng của cổ đại", ông đã đưa ý kiến của nhà phát minh khoa học người Italia này vào cuốn sách của mình như một phương châm đào tạo và sáng tác. Ông rất giỏi hình hoạ nghiên cứu, song rất coi trọng ký hoạ thâm diễn, biết khai thác cả phần giống và phần khác nhau của các nền hội hoạ thế giới để dạy sinh viên và đưa vào sáng tác của mình, do đó các lớp hoạ sĩ vốn là sản phẩm đào tạo của ông đều có tác phẩm nghiêm túc mà không khô cằn, trái lại "luôn tươi mát như nụ hoa mới nở" (lời hoạ sĩ Tô Ngọc Vân). Nhiều tác phẩm của họ được công chúng nghệ thuật Âu - Mỹ rất trân trọng và mua với giá cao, vì nó không lặp lại cái mà họ đã qua, nó chặt chẽ với chất thông thái hàm súc phương Đông, nó mang nét đẹp nhiệt đới đầy ấn tượng với những con người Việt Nam đôn hậu.