TÚ DUYÊN :: THỦ ẤN HỌA

A dedicated website has been launched by a fan. Created to highlight the work of woodblock printmaking, an art form and prints of highest artistic stage by Vietnamese artist Tu-Duyen!

“…Thủ ấn họa đã tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ khiến người coi cảm thấy có những sắc màu riêng biệt thích hợp với tâm trạng từng lúc, từng khi. Cái đó là do theo nguồn cảm hứng của họa sĩ tạo nên. Họa sĩ ấy là ai? Là TÚ DUYÊN vậy…”

Friday, July 30, 2004

TỪ THỦ BÚT HỌA ĐẾN THI HỌA RỒI THƯ PHÁP

Thú  chơi mới và đã ở mức nở rộ  “khắp trời Việt Nam mến yêu” này là THƯ PHÁP. Thư pháp đã đến “mọi nhà” và đã vào cả chùa chiền... Một tập thơ mới in từ sau năm 1975 thế nào cũng có một hai câu thơ được - Thi Pháp hóa. Mấy câu thơ đó do thi sĩ tác giả đắc ý yêu cầu thực hiện hoặc nhà Thư Pháp thấy thích thú thì phóng bút. Một thi tập in ấn bây giờ mà không có cái vụ ít nhiều trang Thư Pháp thì coi như kém thế giá. Có cầu phải có cung, nhiều nhà Thư Pháp sáng giá hay tối giá cùng chen vai xuất hiện. Rồi ở khắp nơi có câu lạc bộ Thư Pháp, có thầy dạy Thư Pháp, có triển lãm Thư Pháp rất ư xôm tụ.

So sánh với CẦM, KỲ, THI HỌA, sau NHIẾP ẢNH NGHỆ THUẬT là THƯ PHÁP. Cầm, Kỳ, Thi, Họa là thú chơi tao nhã của cổ nhân. Nhiếp ảnh là thú chơi của người văn minh theo Tây phương do Quan lớn Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) ở Triều Thiệu Trị đã đưa nghệ thuật và kỹ thuật này vào Việt Nam. Các cụ xưa đã bắt đầu chơi ảnh chụp.
Cử Thăng Huấn Mỹ Tú Tây Hồ
Bác bác chung nhau một cái đồ
-Trần Tế Xương
Rồi kế đến Tản Đà “Nói chuyện với ảnh”. Nhiếp ảnh đã vào nền nếp, đã tiến đến mức chụp được cả các vì sao bằng kỹ thuật số với độ phân giải cao...

Năm món “ăn chơi”: cầm, kỳ, thi, họa và nhiếp ảnh đòi hỏi phải có trình độ, phải có tiền mới mong “đi hết đoạn đường tình”. Còn Thư Pháp: rẻ, dễ cảm nhận, ai cũng có thể thưởng ngoạn được.

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi bác thượng sĩ Nguyễn Đức Long còn tại thế. Bác đã thờ phượng một chữ TÂM, chữ do bác MẶC THU viết bằng chữ Nho cùng với bức tranh lột tả toàn ý bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế. Bác Mặc Thu vẽ cảnh: Nguyệt lạc ô đề, Giang phong ngư hỏa, Cô tô thành ngoại, khách và thuyền... Bức tranh thủy mặc tuyệt vời vì màu sắc sáng tối mờ mờ nguyên tác chữ Nho của Trương Kế, dịch tác chữ Quốc Ngữ của Tản Đà được bác Mặc Thu cho ẩn hiện trong tranh. Phải chăng, thi trung hữu họa, họa trung hữu thi là như thế?

“Tranh” có hai bức như nhau, không hề có bức thứ ba. Tôi “thèm” có một bức để chơi nhưng không có thế giá với tới được. Chỉ có thể mượn một trong hai nơi. Bác Mặc Thu cho tôi mang bức tranh đi photocopy. Những ngày tháng đó chưa có photocopy màu nên đi khắp Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định, bằng mọi cách cũng chỉ “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” thôi, không ra cái thống chế gì cả.

Cũng dịp ấy, tôi thuê viết kính tặng bác Thương Sỹ một bức chữ trên giấy hồng điều:
TÂN KHỔ  HÀ PHƯƠNG TRÍ SĨ TÂM
 và  đôi câu đối:
THƯỢNG ĐẲNG TẠI THIÊN TƯ AN BẦN LẠC ĐẠO
SĨ PHU CHI CỐT CÁCH HÀN UYỂN PHONG NHO
Cụ  Thượng “khen” chữ nghĩa tôi dùng đã cực tả được sinh cảnh “Phong Nhã Đạm” của cụ. Nhưng cụ “chê” là tại sao không cho viết bằng Quốc Ngữ để ai cũng đọc được. Tôi nghĩ yêu cầu của cụ dễ dàng quá nên tôi “bay” ngay đến Hoàng Hương Trang. Tôi không ngờ bị “dội ngược” ra. Cô họa sĩ họ Hoàng chỉ nhận là biết THỦ BÚT HỌA rồi gọi tắt là THI HỌA chứ “không biết” THƯ PHÁP.

Hoàng Hương Trang kể lại câu chuyện cũ, hơi dài dòng văn tự là: “Một lần Thi sĩ Đinh Hùng đau, thi sĩ Đông Hồ và Vũ Hoàng Chương đến thăm. Tam vị thi nhân mời nhau điểm tâm rồi lại về nhà thi sĩ Đinh Hùng ngồi nhàn đàm, ngâm vịnh những áng thơ mới sáng tác để cùng thưởng lãm.

Khi ngâm vịnh những câu thơ  đắc ý, thi sĩ Đông Hồ lấy cây tăm trẻ đã tóe đầu chấm vào nước trà viết ngay lên mặt bàn đóng đầy bụi. Nhị vị Đinh, Vũ thấy: “ĐẸP QUÁ! Tại sao lại không thực hiện trong các thi tập?”.

Vấn  đề “Đẹp quá!” ấy lại được đặt ra ở nhà Kịch tác gia Vi Nguyên Đắc. Thi sĩ Đông Hồ đã dùng bút “ngòi thơ” viết lại mấy câu thơ trên giấy. Sẵn có Hoàng Hương Trang là “tiểu nữ” vừa đi dạy học về tới. Các tiền bối yêu cầu cô lập ra một trường phái mới. Trường phái thủ Bút Họa để cùng phát triển với Thủ Ấn Họa của Họa sĩ Tú Duyên. Vì; theo các tiền bối, Hoàng Hương Trang là họa sĩ và là cô giáo dạy Quốc văn, dạy hội họa cho học sinh bậc trung học ở các trường công lập tai Biên Hòa, Thủ Đức. Cô còn là thi sĩ và “ngâm sĩ” nữa. Nên cô rành thi luật để biết “VẼ” nét nào đậm, nét nào nhạt. Bài thơ ngũ ngôn hay thất ngôn tứ tuyệt là đẹp nhất cho cô Trang thực hiện trên nền bức tranh bằng giấy hay lụa. Thơ và Tranh hài hòa cả về kỹ thuật và nghệ thuật tạo nên một “sức sống mãnh liệt”. Thủ Bút Họa được khai sinh như thế.

Trong các thi tập của Đông Hồ, thi sĩ  đều tự tay viết vài bài thơ của mình. Ngay thi tập Trinh Trắng in trên giấy quý khổ 32 x 24 do Bốn Phương xuất bản năm 1961 có ghi rõ:

“Trinh Trắng, thi tuyển của Đông Hồ, Thi sĩ Việt Nam, in một nghìn bản vào dịp Hội thơ Quốc tế mỗi hai năm, họp lần thứ năm tại KNOKKE LE ZOUTE (Belgique) từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 9 năm 1961, đặc phẩm của xuất bản Bốn Phương trong viện văn nghệ hiện sáng tác, Mĩ ấn phẩm của Thư Lâm ấn thư quán, có bốn phụ bản thơ chép tay bằng ngòi lông trên nền Thủy Mặc, đều là thủ bút và họa phẩm của tác giả”.

Hoàng Hương Trang đã không đáp ứng yêu cầu của tôi thì  chớ. Cô còn đi tiếp một hơi: “Chính anh là người ghét ai gọi chữ Nho là chữ Hán. Chữ Nho là chữ tượng hình, viết từ trên xuống dưới, viết từ phải sang trái. Ngược lại với chữ quốc ngữ hiện hành như thế. Anh trả Trang một triệu đồng một chữ cũng không viết. Bức chữ và đôi câu đối, nếu anh chịu viết ngang từ trái sang phải thì viết ngay, viết “chùa” luôn để biếu bác Thượng Sỹ”.

Tôi xô ghế đứng dậy, vùng vằng ra về. Thú thực là rất bất bình. Dọc đường xe bị “đinh tặc”, ngồi chờ vá ở gần cầu Băng Ky nghĩ lại, có lẽ Hoàng Hương Trang đúng. Chữ Nho có bốn lối viết là Chân Lệ Triện Thảo đều có thể “phối hợp nghệ thuật” để:
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.
 (Ông Đồ - Vũ Đình Liên)
Chữ  Quốc Ngữ theo mẫu tự La Tinh, số La Mã rắc rối đã được thay thế bằng số Ả Rập khi viết thường cho nhanh cho gọn như: 29 thay vì XXIX. Chữ Quốc Ngữ đã có hơn hai thế kỷ phát triển, có chữ hoa để ghi nhận nhân danh địa danh, có chữ viết thường và có chữ in đã phổ biến trong giao dịch. Các bậc Nho Giả Nho Gia xưa chê chữ Quốc Ngữ là “nôm na mách qué”, không phải là “linh tự”, chỉ là thứ chữ “tượng thanh, tượng âm” (?!) Chỉ khi nào viết ra, nói ra, đọc lên người nghe mới biết. Chê thì cật lực phủ phàng như thế nhưng lại thú vị rung đùi ngâm nga câu Kiều tám chữ có tiểu đối “tả cảnh” con đường sóng trâu sóng bò, ổ voi, ổ khủng, khiến:
Vó  câu khấp khểnh  Bánh xe gập ghềnh
Ngậm ngùi, tiếc nuối cảnh Tết: “Thuở thanh bình ba trăm năm cũ?”
Đì  đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Eo sèo trên vách bức tranh gà
-Trần Tế  Xương
Thế  thì “Hồn” trong các câu thơ được sáng tác bằng chữ Quốc Ngữ không “Linh” sao? Ngày ấy tôi mới ở cái tuổi 50, còn mạnh khỏe, còn kiêu khí nhưng lại thiếu lời lẽ để thuyết phục cô bạn họa sĩ. Tự giận là thiếu kiến văn và “nghĩ mình, mình lại thương mình xót xa”. Bởi tôi đã cho THỦ BÚT HỌA, THI HỌA, THƯ HỌA đồng dạng với nhau. Nhưng không phải vậy.

Trong bữa tiệc “ĐỀ HUỀ” của anh Việt kiều thi sĩ: Mừng tân gia và mừng vị thế là thông gia ở Việt Nam, Hoàng Hương Trang và tôi được xếp ngồi cạnh nhau. Trở lại chuyện Thư Pháp, cô nhắc nhớ: “Vào trung tuần tháng Chạp năm Nhâm Tý (1972) Trang triển lãm Thi Họa gồm 23 bức tranh TÚY CA tại khách sảnh Miền Vĩnh Nghiêm. Lâm cao sỹ (Đông Hồ) và Bạch Vương (Vũ Hoàng Chương) gọi Hoàng Hương Trang là TÀI NỮ. Thi sĩ Trụ Vũ và họa sĩ Vũ Hối có đến coi. Trang tặng anh Vũ Hối bức Độc Dược”.

Tôi hỏi Hoàng Hương Trang:

- Tại Việt Nam mình, nghề nào cũng có tổ sư  Bồ Đề và đều có Miếu Đền thờ  phụng như văn thì có văn miếu thờ Khổng Tử, võ thì có Võ miếu thờ Quan Công. Thư Pháp cũng phải có sư tổ. Vậy ai là Thư Pháp Tổ chữ Quốc Ngữ bây giờ? Cô cho tôi biết với chứ!

- Anh tự tìm hiểu lấy! Trang chỉ biết năm 1985, anh Vũ Hối viết trên nền giấy chứ không phải trên tranh rồi có danh xưng là THƯ PHÁP.

Ai là Tổ Sư  Bồ Đề THƯ PHÁP chữ  Quốc Ngữ? Hẳn nhiên tôi mù tịt. Cũng chẳng có đấng, bậc nào vỗ ngực xưng tên “ta là tổ sư”. Tôi chỉ biết phương danh họa sĩ Vũ Hối với THƯ PHÁP đã vang lừng mà không có phúc được quen biết người con đất “NGŨ PHỤNG, TỀ PHI” tài hoa. Họa sĩ Vũ Hối đã ở cách xa tôi nửa vòng trái đất, có muốn làm vui lòng bậc trưởng thượng Thượng Sỹ mà phải chia động từ “tu năn nỉ” với đàn anh Vũ Hối cũng chẳng được nào!

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đọc một truyện ngắn dạng “tự chuyện” tên là Bán Chữ ở một tạp chí. Nhân vật trong truyện xưng tôi, tự giới thiệu là chủ gia đình và là trưởng tộc, khi tập kết trở về nhận lại gia sản tinh thần là cái nhà thờ họ từ năm đời nay. Những bức hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng vẫn còn treo ở chỗ cũ. Nhưng, màu son sơn đã long lở, các chữ thiếp vàng chỉ còn hằn lại vết tích. Cũng may em cháu nhà anh ta chỉ hạ các chữ thờ xuống cho các tay “mua cái gì cũng bán - Bán cái gì cũng mua” bóc lấy vàng. Vẫn chưa dùng những tấm gỗ ấy làm chất đốt. Trước cảnh não lòng anh tự hứa với gia tiên: “Sẽ phục hồi lại các chữ thờ trong từ đường của cả dòng họ”.

Đọc “Bán Chữ” xong tôi rưng rưng. Thế ra ở phạm vi nhỏ vẫn còn người có lòng như cụ Tản Đà khi xưa “Vịnh Bức Dư Đề Rách”.

Ngoại Vi Lăng Ông Bà Chiểu, Đền thờ Đức Thánh Trần ở Hiền Vương Tân Định, những ông Đồ thật, Đồ giả, Đồ chơi ngang vốn đã nhếch nhác từ trước 30.4.1975. Nay, tự nhiên bốc hơi, biến mất tăm mất tích cùng thầy tướng số, thầy coi bài tây có chim hay không...

Ngày  ấy; ai còn hoài cổ vọng cổ, Xuân và Tết muốn sống lại không khí của thầy giáo Vũ Đình Liên thuở đã “Đổi Lông Ra Thép” cũng không được nhìn cảnh ông Đồ ngồi buồn thiu trước:
Giấy  đỏ buồn không thắm
Mực  đọng trong nghiên sầu
Rồi  đất nước mở cửa, kinh tế phát triển ở nội ngoại thương, ở cây trồng vật nuôi, ngăn ngừa được phần nào bão lũ. Ai có thân nhân nước ngoài đã trực tiếp được nhận ngoại tệ rồi tự chuyển đổi ra Việt Nam đồng. Quảng đại quần chúng nhân dân đã hết cảnh: “Tổ quốc ơi! Ăn khoai mì ớn lắm!” Người ta lại bắt đầu CHƠI CHỮ - CHƠI THƯ PHÁP.

Cái tên THƯ PHÁP định hình rồi nhưng chưa định danh. Những người chế tác, chế xuất ra THƯ PHÁP chưa có danh xưng Thư Pháp Gia, Thư Pháp Sĩ, Thư Pháp Nhơn, Thư Pháp Giả...

Vậy, đến bao giờ người tạo ra những bức Thư Pháp mới có danh xưng là Gia là Sĩ là Nhơn là Giả?

Ăn chơi mỗi thời mỗi vị, lịch sự mỗi thế mỗi mùi. Thư họa bây giờ (2004) đã trở thành cái “mốt thời thượng”. Khắp nơi khắp chốn đều có các gia, các sĩ, các nhơn, các giả viết THƯ PHÁP. Lại có cả triển lãm thư pháp. Cuộc triển lãm đầu tiên tại Viện Phật học Vạn Hạnh năm 1994. Tiếp sau là các Câu Lạc Bộ Thư Pháp có sinh hoạt thường kỳ, có lớp “Hướng Dẫu” và có người được hướng dẫn. Giá mềm hay cứng hoặc vô giá đều do thế giá của bậc truyền thừa. Người “thụ nghiệp” chịu chơi nhất định không sợ tốn kém.

Bức Thư pháp cao giá hay thấp giá ở cái danh của Họa sĩ. Thi gia hay Văn nhơn.... còn những người không phải loại sĩ - gia - nhơn thì có tên gọi chung chung là Nghệ Sĩ. Tất cả đều có triện son lớn nhỏ đóng trên tác phẩm.

- Về hình thức: bức THƯ PHÁP lớn, nhỏ có khung lộng kính hay không, hình vuông hoặc chữ nhật. Thư Pháp treo dọc hay treo ngang tùy theo hứng khởi ở người thực hiện. Chưa thấy bức Thư Pháp viết trên giấy nào ở dạng hình tròn hay hình tam giác. Nhưng trên đá trên cây trên đồng trên gỗ... thì có đấy. Rất đa dạng.

- Về nội dung: Trong bức thư pháp có thể là một hai câu ca dao, tục ngữ... Một hai câu thơ của danh nhân tiền bối, thơ của chính thi gia viết thư pháp, nhất là những lời Phật Ngôn, Thơ Thiền, Công Án Thiền của các bậc đại sư đều tràn lên thư pháp.

Đọc “Chữ Người Tử Tù” của nhà văn Nguyễn Tuân trong Vang Bóng Một Thời, hình ảnh ông Quan Quản Ngục đứng bưng chậu mực cho cái ông Huấn Đạo bị chặt cổ vào sáng sớm ngày mai. Còn lại chút thì giờ, Ông vẫn múa bút trên nền lụa nguyệt bạch để bức chữ đó cho Ngục Quan đem về thờ phượng. Nét đẹp thật bi tráng dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân. Rồi đọc “Chơi chữ” của Lãng Nhân. Nét đẹp xưa lại được tái hiện ở thập niên 60 thế kỷ trước. Âu cũng chỉ là vang bóng một thời nhưng rất đáng trang trọng để hôm nay (2004) có THƯ PHÁP chữ Quốc Ngữ.

Không biết có phải Phú Quý Sinh Lễ Nghĩa hay không? Khi người ta no cơm ấm cật rồi thì chữ nghĩa bắt đầu được thăng hoa. Chỉ bằng tiền chi trả cho một vài thùng bia nội hóa thôi, người ta có thể “vớt” được bức thư pháp to đùng về trưng để tự nâng cao thế giá. Nếu như lại được chính tác giả ký tên đề tặng nữa thì thật là “số dzách - năm bờ oan”.

Điều đáng mừng cho THƯ PHÁP đã chuyên chở chữ nghĩa ở dạng Văn Dĩ Tải Đạo. Tuy mới có danh chưa định danh, có hình chư định hình một cách chính thức như Nhiếp Ảnh với những Nhiếp Ảnh Gia Nghệ Thuật được quốc tế công nhận như quý vị: Cao Đàm, Cao Lĩnh, Nguyễn Mạnh Đan, Phạm Văn Mùi, Võ An Ninh.... lớp trước. Lớp sau có những danh tài như Đào Hoa Nữ, Minh Lộc, MPK, Quang Tín, Dương Đình Hùng... Nhưng luật cung cầu dần dà khiến Thư pháp định được “hình danh sắc tướng”. Khi ấy, các tác giả Thư pháp là Thư pháp gia, Thư pháp sĩ, Thư pháp nhơn, Thư pháp giả.... rồi thứ bực! Ai là Gia là Giả là Sĩ là Nhơn? Cao thấp, chiếu trên chiếu dưới khó mà định phân.

Đọc bài “LỐI VIẾT CHỮ” trong Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ. Phạm tiền nhơn khen vua nhà Lý có “bút pháp hùng tú tự nhiên, khác hẳn người tầm thường, những nét phẩy, mác, sổ, móc đã phôi thai ra lối chữ nước Nam ta”. Đó là khi Phạm Đình Hổ nhìn cái biển “Đông Hoa Môn” do đức vua nhà Lý ngự bút. Còn chữ viết ở thời “Lê Hồng Đức, nét bút lẫn cả lối châu lối khải”, Phạm Đình Hổ gọi là lối hoành biển căn cứ vào ba chữ “Đại Hưng môn”. Đến khi Phạm đọc bài Minh khắc trên bia đá chùa Bối Am của một công chúa (?) nhà Mạc thì người chê là: “Nét chữ đầu cong, chân quẹo, hơi giống chữ bây giờ, nhưng bên tả vênh lên, bên hữu vẹo xuống, có hơi khác, thực là quái lạ!”.

Phạm  Đình Hổ còn than: “Nước ta đã có tiếng là văn hiến không khác gì nước Trung Hoa, thế mà về một việc học viết chữ, lại cho là việc của kẻ thơ lại, không ai thèm lưu ý học đến...” Đó là lối viết chữ Nho, còn chữ Quốc Ngữ ngày nay; khi thì có bụng ở các chữ b, h, k, l và có mông ở các chữ g, y. Khi thì không bụng không mông. Phụ huynh học sinh bậc Tiểu Học mười mấy hai chục năm trước nhớ mãi tên ông Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại ở chữ đầu cụt  cụt đuôi! Bây giờ là THƯ PHÁP. Chã lẽ lại có sự hội thông với bài Minh ở chùa Bối An thời nhà Mạc?

Đến hôm nay, chê hay khen, chấp nhận hay phủ nhận THƯ PHÁP, chữ Quốc Ngữ thì THƯ PHÁP đã là một thực thể, một thực tế. Chứng cớ là có những người thành danh là quý ông bà: Vũ Hối, Y Sa, Song Nguyên, Trụ Vũ, Bùi Hiến, Nguyệt Đình, Chính Văn, Giang Phong, Nguyễn Thiêu Chương, Nguyễn Thanh Sơn, Minh Đức Triều Tâm Ảnh... Dù sao thì thú chơi này cũng mới chỉ xuất hiện có chưa đầy nửa thế kỷ kể từ lúc hai bậc tiền bối thi gia Đông Hồ và Vũ Hoàng Chương khởi xướng.

Những nhà văn, nhà thơ nếu lỡ viết sai chính tả còn đổ thừa đổ thiếu cho ấn công, cho người đánh vi tính. Chứ viết Thư Pháp, viết a bé (a) bê to (B), các chữ c, chữ t, có g hay không có g, dấu hỏi (?) hay dấu ngã (~), xin viết thật đúng cho con em cháu chắt nó nhờ. Là thú chơi nhưng lại là văn hóa. Làm văn hóa lầm thì hại muôn đời!

(Hoàng Vũ Đông Sơn | Newvietart)

No comments:

Post a Comment

Thank you for writing!