Trần Bình Trọng: Thà làm quỷ nước Nam hơn làm vương đất Bắc |
Tú Duyên là tên ông mà lâu nay chúng ta vẫn thường nghe tiếng gắn
liền với những chữ Thủ ấn họa trên các báo, các tạp chí trong nước và nhiều
nhất ở miền Nam kể cả những báo nước ngoài ở Bỉ, ở Pháp đã đăng về sáng tạo của
ông. ông sinh tại làng Bát Tràng, Gia Lâm, thành phố Hà Nội. ông cụ thân sinh
chuyên làm đồ gốm: Năm 1935 ông là học trò của cụ Nam Sơn, một giáo sư có tiếng
của trường mỹ thuật Đông Dương, đã tốt nghiệp trường Mỹ thuật Pháp. Các bạn
cùng học chung với Tú Duyên có
Sỹ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Thị Kim, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Văn Tỵ v.v...
có thể nói số học trò của cụ Nam Sơn lên đến trên 100 người và đa số đều đã
thành đạt trên con đường phục vụ nghệ thuật.
Thuở ấy vào năm kinh tế khủng
hoảng 1938, các họa sĩ không có màu để vẽ, nên thường vẽ bằng bút chì, than,
sanguine ...Ngay như Nguyễn Gia Trí một sinh viên xuất sắc nhất của nhà trường
cũng đã phải dùng giấy màu để thử nghiệm các bố cục sau khi thể hiện lên sơn
mài... Tú Duyên may mắn hơn, năm 1940 được một nhà may có tiếng tại Hà Thành đã
thuê ông vẽ kiểu áo và chuyên vẽ đăng ten, nói rõ hơn đó là những trang trí
dùng trên cổ áo, tay áo hoặc túi áo v.v... Cuộc sống của ông cũng tương đối khá
hơn một số họa sĩ khác.
Tại sao lại gọi là Thủ ấn họa Tú
Duyên, từ những năm đầu tiên của nhà trường đã có môn học khắc gỗ từ năm 1925,
cho đến sau này nhà trường đã gom góp một số lớn tranh mộc khắc của các sinh
viên để làm tư liệu cho nhà trường. Các sinh viên như Tô Ngọc Vân, Lương Xuân
Nhị, Đỗ Đức Thuận, Vũ Đăng Bốn, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Trần Bình Lộc,
Nguyễn Thị Kim, Trần Đình Thọ, Phan Kế An, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn
Tư Nghiêm và nhiều sinh viên khác trong đó có khắc gỗ của Tú Duyên với tựa đề “Trần
Đình Trọng, thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm Vương đất Bắc”. Mãi đến năm 1997
nhà xuất bản mỹ thuật mới cho ra đời cuốn sách tựa đề “Tranh khắc gỗ Việt Nam”
kèm theo tiếng Anh là Vietnamese contemporary/wood engraving. Tú Duyên đã có
sáng kiến phát triển tranh khắc gỗ thay vì bảng vẽ bốn màu phải thể hiện bốn
bản khắc, ông chỉ làm một hoặc hai bản mà thôi. Trong khi các họa sĩ khác lấy
cọ phết màu hay lăn màu lên bản gỗ thì ông lại dùng tay của mình chấm màu và
xoa lên bảng gỗ sau đó in trên lụa hoặc giấy dó. Kết quả màu sắc của các bảng
vẽ có khi khác nhau và tạo cho một vẻ đẹp khác thường và ông cho nó một tên có
vẻ chuyên môn là thủ ấn họa (in bằng tay). Ông nhắc lại hồi còn đi học anh em
thấy ông hiền và chịu khó nên hay nhờ ông đánh giấy nhám cho bảng gỗ thật mịn
và bằng phẳng để đến khi khắc các nét được lộ ra trọn vẹn. Từ công việc đó đã
tạo cho ông một sự cần mẫn trong việc khoét gỗ, rạch gỗ để làm tranh.
Khi phát xít Nhật dự định xâm
chiếm Đông Dương nên đã xảy ra những lục đục, gây hấn giữa Pháp và Nhật. ông đã
cùng vợ vào Sài Gòn, “nơi đất mới” để sinh sống. Cùng đi với ông có vài họa sĩ
như Tiến Lợi và Nguyễn Phú Sơn. Tại đường Gia Long ông đã mở phòng quảng cáo để
vẽ bảng hiệu. Lần triển lãm đầu tiên của Tú Duyên tại phòng triển lãm Pháp Văn
Đồng Minh Hội đường Gia Long tôi và họa sĩ Nhan Chí nổi tiếng về vẽ phấn tiên
(pastels) đã tới dự hôm khai mạc. Nhan Chí là bạn thân của ông từ ngoài Bắc khi
Nhan Chí và Lê Trung ra Hà Nội học vẽ. Do đó sau triển lãm chúng tôi thường gặp
gỡ nhau để chén trà chén rượu. Từ chỗ ở Gia Long ông chuyển qua đường Reims sau
đó dừng lại tại 161 Nguyễn Công Trứ, quận 1 cho đến bây giờ. Nhan Chí vẽ chân
dung cho người Pháp nên có tiền nhiều. ông thường rủ tôi đến Tú Duyên nhậu tại
nhà hàng người Hoa ở ngã tư Pasteur và Nguyễn Công Trứ. Do đó tôi lại được biết
thêm Tú Duyên có nhiều thân chủ thích lối thủ ấn họa của ông. Vua dầu lửa người
Mỹ Rocque Feller và vua Sihanouk đã mua một số tranh thủ ấn họa của ông để bày
tại bảo tàng riêng của nhà họ và tại bảo tàng Hoàng Gia Kampuchia.
Cuối năm 1945, cuộc kháng chiến
toàn quốc bùng nổ, để chống âm mưu xâm lược của bọn thực dân Pháp manh tâm cai
trị nước ta lần thứ 2. Tú Duyên lên đường tòng quân. Ông được phân công ở văn
hóa thông tin của khu 7, trong đó có cả họa sĩ Trần Văn Lấm. Năm 1954 khi tôi
được về họat động tại thành phố Sài Gòn Chợ Lớn chung với Phạm Ngọc Thảo, tôi
đã trịnh trọng khoác áo đại biểu văn hóa toàn quốc và vào Dinh độc lập dự tiệc
tôi cũng lại gặp Tú Duyên. Trong năm 1956, Miền Nam có một hội chợ rất lớn gọi
là Hội chợ triển lãm và giải trí toàn quốc. Tôi lại gặp ông, khi ấy ông trịnh
trọng bộ com lê làm ủy viên giám khảo để tuyển lựa tranh trưng bày trong phòng
triển lãm của hội chợ này. Sau này ông thường xuyên phụ trách giám khảo các
cuộc triển lãm trong nước và tuyển tranh đi tham dự các triển lãm Quốc tế.
Sau 6 năm giải phóng miền Nam,
hoạt động của các họa sĩ trở lại bình thường. Tranh của ông vẫn được các thân
chủ là kiều bào ở úc, ở Canađa, ở Pháp v.v.. thường đến mua tranh của ông để
chuyển ra nước ngoài. Đời sống của ông cũng có điều kiện phát triển thêm lên về
mặt mỹ thuật. Năm 1998 ông đã tham dự cuộc triển lãm quy mô tại Bruxelle thủ đô
nước Bỉ. Triển lãm này gồm trên 200 tác phẩm của các họa sĩ danh tiếng Việt Nam
trong đó có ông. Thường thường vài năm tôi từ Cần Thơ ra Hà Nội lại ghé thăm
ông để kể chuyện trên trời, dưới đất, hớp vài cốc rượu bia hoặc rượu thuốc gọi
là gây cho ông một vài phút giây thư giãn.
Bảy năm trước đây ông hay đi bộ
trên một cây số ra bến đò Thủ Thiêm bên bờ sông Sài Gòn để gặp bất cứ nhân vật
nào ông vẽ. Thường thường ông vẽ các em bé và các ông già. Có khi người ta muốn
trả tiền công để xin ông vẽ cho nhưng ông lắc đầu và vẽ để tặng họ thôi. Cũng
có khi ông đi xa hơn hai cây số lại trước dinh Gia Long để vẽ những rễ cây đa
to, nhằng nhịt và ông rất thích thú vì cái nhằng nhịt ấy nó có vẻ đẹp riêng của
nó. Những người sống ở bến tàu đã quen hễ cứ 4 giờ chiều khi nắng còn rơi rớt
trên ngọn cây là ông đã có mặt tại bến tàu ở dưới những tàng cây công viên hay
là nếu trời mưa thì ông vào trú mưa tại nhà cầu bến tàu. Có lẽ những tàng cây
tươi mát, những ngọn gió êm dịu mơn man trên người ông, những làn sóng lăn tăn
trên bến, những tàng dừa nước bên sông đã quyến rũ ông và không cho phép ông
vắng mặt trong mỗi buổi chiều khi nắng còn vàng pha hoặc le lói trên ngọn cây
...
Năm nay đôi mắt ông yếu quá. Tôi
bước vào nhà nhìn ông và giả vờ như người lạ. Tôi chào ông nheo mắt hồi lâu và
thốt hai tiếng: Vũ Anh đấy à! Tôi tiến lại gần ôm ông để nén cơn cảm xúc.
Tôi đã học nơi người bạn tôi sự
siêng năng tìm tòi trong sáng tác và sự nghiêm khắc với mình trong công việc
không mệt mỏi. Nếu nhà danh họa Picasso nói một câu bất hủ: “Le génie c’est une
longue patience” (Thiên tài là sự cần cù nhẫn nại ) thì Tú Duyên đã vượt qua
muôn ngàn khó khăn trong cuộc sống để dựng nên một bộ môn độc đáo trong hội họa
hôm nay đó là: Thủ ấn họa Tú Duyên.
(Vũ Anh)
No comments:
Post a Comment
Thank you for writing!