TÚ DUYÊN :: THỦ ẤN HỌA

A dedicated website has been launched by a fan. Created to highlight the work of woodblock printmaking, an art form and prints of highest artistic stage by Vietnamese artist Tu-Duyen!

“…Thủ ấn họa đã tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ khiến người coi cảm thấy có những sắc màu riêng biệt thích hợp với tâm trạng từng lúc, từng khi. Cái đó là do theo nguồn cảm hứng của họa sĩ tạo nên. Họa sĩ ấy là ai? Là TÚ DUYÊN vậy…”

Tuesday, September 30, 2008

NHƯ MỘT NGỌN NÚI DŨNG MÃNH

Buổi trưa. con đường Nguyễn Công Trứ, như bất cứ một con đường nào ở trung tâm thành phố Sàigòn ngày nay, cũng có cùng một hình ảnh, “cực kỳ ấn tượng!” Đó là sự xô bồ, bát nháo của đám thị dân (đa số lao động) hấp tấp, hối hả trong nhu cầu tranh sống, như thể chỉ một vài ngày nữa thôi, tất cả sẽ biến mất, ngay cá nhân chính họ. Trong khi đó, hai lề đường, cũng không ít những người mệt mỏi ngồi lơ đãng trước những ly café hay nước giải khát, nơi những chiếc ghế thấp, thuộc hàng chục “quán” café “dã chiến,” nháo nhác tranh phần “hiện diện” với hàng chục xe gắn máy đủ loại.
Họa sĩ Tú Duyên

Tháng Bảy. Sài Gòn thở hào hển với cơn nóng không chỉ chụp xuống từ bầu trời không một vẩn mây mà, còn hầm hập bốc lên từ đám đông, trộn lẫn mùi quần áo không thay, mùi khói xăng, dầu…được những tiếng còi hung hãn, không ngớt khuếch tán, nện từng chập lên ngực thở, những người không quen.

Cũng buổi trưa. Cũng con đường Nguyễn Công Trứ, thuộc trung tâm thành phố Sàigòn ấy, có một căn nhà (gần như duy nhất) mà, “mặt bằng” không hăm hở bước vào thời “mở cửa” kinh tế. Đó là căn nhà của lạc lõng, hiểu theo một nghĩa nào, như một “ốc đảo’ của họa sĩ lão thành Tú Duyên; cha đẻ môn Thủ Ấn Họa, đặc thù của người Việt Nam.

Khi cánh cửa khép lại, người viếng thăm tác giả “Thà làm quỷ nước Nam,” cảm thấy như mình vừa bước vào một thế giới khác. Thế giới mà người chủ nhân đặc biệt này, đã buộc thời gian phải ngừng lại, bên ngoài khung cửa hẹp của “am thất” tinh thần và sáng tạo của ông.

Thời gian đóng băng? Hay một cuộc đời tưởng chừng đã trở thành “Vang bóng một thời,” như những nhân vật trong tập tùy bút cùng tên, của nhà văn Nguyễn Tuân? Khác nhau chăng, nhân vật đó, vẫn ở cùng chúng ta, với nụ cười đầm ấm, dịu dàng và một tinh thần minh mẫn, thẳm sâu. Người đó là họa sĩ Tú Duyên, cha đẻ của trường phái Thủ Ấn Họa, Việt Nam. Từ nơi chiếc bàn cũ, cổ, chất đầy những cuộn giấy tròn mà chắc là những bức thủ ấn họa, đây đó ngổn ngang hàng chục cuốn sổ tay vàng – với hàng ngàn bức ký họa.

Trên chiếc ghế thấp, hất tròng kính chỉ dùng tròng kính lão mầu trắng, khi trả lời những câu hỏi của chúng tôi về hành trình hội họa một đời của mình, Họa sĩ Tú Duyên cho biết, ông sinh ngày 20/12/1915 tại làng Bát Tràng huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Ông là con thứ tư của một gia đình Nho Giáo, thanh bần, nếu không muốn nói là nghèo. Năm 1935 ông theo học lớp dự bị trường Mỹ Thuật Đông Dương, Hà Nội sở trường về ký họa, vẽ cho báo và tranh khắc gỗ. Sau khi theo học được 3 năm thì ông đành phải bỏ ngang vì, không thể tìm đâu ra 6 đồng tiền học phí mỗi tháng, chưa kể những chi phí khác. Ông nói: “Trường Mỹ Thuật Đông Dương không dung tôi cho tới năm cuối cùng, nhưng hội họa lại nuôi sống tôi, không chỉ từ thời gian nhập học, mà còn kéo dài hết cuộc đời tôi nữa.”

Trả lời câu hỏi, với tình trạng tài chính khó khăn như vậy, tại sao lại chọn con đường hiểm nghèo, là mộc bản, để rồi từ đó, sáng tạo môn Thủ Ấn Họa. Người họa sĩ kỳ lạ, và, cũng kỳ tài, cho biết : “Lúc còn học ở trường Dự bị Mỹ Thuật Dông Dương Hà Nội. Rất ít, hầu như không sinh viên nào chọn môn học làm tranh trên bảng khắc gỗ vì khó và công phu. Vì vậy tôi chọn môn này để có những sáng tác độc đáo. Hơn nữa, có 2 bạn đồng học là họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ và họa sĩ Nguyễn Sĩ Ngọc, tuy không theo học nhưng luôn khuyến khích tôi theo đuổi môn học này.” Tôi thích đối đầu với khó khăn. Càng khó thì càng hay và càng theo học sẽ có nhiều cái lạ để sáng tác.

Về bút hiệu Tú Duyên, người viết bài này được hưởng một bất ngờ thích thú khi nghe chính ông giải thích: “Thời trẻ tuổi, tôi còn có một người bạn rất thân. Đó là anh Đỗ Văn Tư. Bạn tôi thuộc gia đình khá giả, có nhà và có công ăn việc làm đàng hoàng. Trong khi tôi thì nghèo, không nhà không cửa. Chúng tôi đã giao ước với nhau rằng, mai sau, khi tôi ra trường, tôi và Tư sẽ cùng làm ăn với nhau. Tên Tứ-Duyên ra đời từ chữ Tư Duyến. Tư là tên bạn tôi. Duyến là tên của tôi. Hai chữ Tư Duyến nói trại lại thành Tứ Duyên. Nhưng khi vào Sài Gòn làm ăn, phải tiếp xúc nhiều với người ngoại quốc; khi thấy họ gặp trở ngại lúc phát âm hai chữ ‘Tứ-Duyên’, tôi đành phải bỏ bớt một số dấu, để trở thành… Tú-Duyên.”

Nói về nghệ thuật Thủ Ấn Họa, họa sĩ Vị Ý, nguyên trưởng khoa Trang Trí Thiết Ấn, thuộc trường Quốc Gia Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định, trong một bài khảo cứu về mộc bản Việt Nam, đăng tải trên tạp chí TTMT số đề tháng 11 năm 2005, Sàigòn, cho biết, đại ý : Nghề in khắc gỗ ở Việt Nam, có từ thời nhà Lý. Cụ thể là từ năm 1190, với thiền sư Tôn Tín Học khắc kinh trên ván. Tới đời nhà Trần (1298-1332) chúng ta có sư Pháp Loa dùng bản gỗ để in kinh Địa Tạng. Đến triều Lê Sơ (1443-1459) có tiến sĩ Lương Nhữ Học học nghề in khắc của Trung Hoa, khi về ông truyền lại cho dân hai làng Hồng Lục và Liễu Chàng thuộc tỉnh hải Dương.

Vị Ý viết tiếp rằng, sau này “Tranh Đông Hồ xuất phát từ thợ khắc in bùa chú, vàng mã và sau in khắc tranh dân gian. Làng Đông Hồ nằm giáp khu vực chùa Bút Tháp…” Về sự khác biệt giữa tranh mộc bản dân gian và tranh Thủ Ấn Họa của họa sĩ Tú Duyên, Vị Ý nhấn mạnh : “Khác với các loại tranh ấn mộc bản thông thường, chỉ có hai bản khắc gỗ phân biệt : Bản nét và bản màu. Họa sĩ Tú Duyên đã tạo ra các tác phẩm có nhiều độ màu qua kỹ thuật của mình. Chẳng hạn như họa phẩm Trần Bình Trọng, ông đã ‘nhân’ bản đến 23 họa phẩm khác nhau, với mỗi bức là một sáng tạo riêng, màu sắc cũng khác hẳn, tùy theo tâm tư tình cảm của lúc ấy.”

“Với những ngón tay đầy màu của anh thay cho bút cọ, đã tạo cho sắc màu trên bản gỗ trở thành một bức tranh huyền ảo, một mảnh lụa tơ tầm được đặt lên trên bản màu, dùng tay vuốt nhẹ và thỉnh thoảng ấn mạnh lòng bàn tay một vài chỗ cần thiết, xong gỡ lụa ra đưa sang bản khắc nét đã vô màu và cũng dùng tay vuốt đều trên mảnh lụa cho đến lúc hoàn chỉnh. Xong nhắc tấm lụa lên đặt trên mặt ván phẳng, săm soi và hoàn thiện với triện son và chữ ký một cách trịnh trọng để hoàn tất tác phẩm này.”

Ở một đoạn khác, họa sĩ Vị Ý khẳng định: “Giữa năm 1953, ấn mộc bản cổ truyền có một bước thay đổi được gọi là ‘Thủ Ấn Họa’ trên lụa mà người sáng tạo không ai khác, đó là họa sĩ Tú Duyên.” Bài viết của họa sĩ Vị Ý nặng tính biên khảo, nên ông đã không đề cập tới những nguồn cảm hứng lớn, làm thành linh hồn của hàng trăm tác phẩm thủ ấn họa của Tú Duyên.

Với những nhà sưu tập tranh ở khắp nơi trên thế giới, có lẽ không ai không nhận ra, có ba nguồn suối chính, làm thành thế giới tranh Tú Duyên, đó là:

Đờn ca                              Ngày hội                         Đánh ghen
 - Những nhân vật lịch sử. Điển hình như bức “Thà làm quỷ nước Nam.”
- Từ ca dao, các tác phẩm cổ văn, như Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm Khúc…

Điển hình là những bức tranh, bây giờ còn nhiều người nhớ tới, như bức “Chẳng ham vựa lúa anh đầy – Tham năm ba chữ cho tầy thế gian (ca dao). Hoặc “Mai cốt cách tuyết tinh thần” (Kim Vân Kiều – Cùng 29 bức khác, cũng đi ra từ Truyện Kiều…) (Và…) Phụ nữ Việt Nam.

Giải thích về nguồn cảm hứng mạnh mẽ thứ ba, trong suốt cuộc đời hội họa của mình, họa sĩ Tú Duyên cho biết, ngay từ thời còn thơ ấu, ông đã có lòng yêu quý người mẹ sinh thành ra ông, cùng các chị và em gái của ông. “Lớn lên, tôi còn cảm nghiệm thêm được một điều nữa là người phụ nữ Việt Nam chịu rất nhiều thiệt thòi trong đời sống xã hội, hàng ngày của họ…”

Chia sẻ của ông, khiến chúng tôi chợt nhớ, vào cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960 thời điểm “tung hoành” của một Tạ Tỵ (lập thể;) Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn… (sơn dầu); trẻ hơn (cũng sơn dầu) có những tên tuổi như Nguyễn Trung, Đinh Cường, Đỗ Quang Em… Thời gian này cũng là thời “đăng quang” của Lâm Triết và Cù Nguyễn… khi họ được trao huy chương vàng từ những cuộc Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân, ở phòng triển lãm Đô Thành (nằm tại ngã tư đường Tự Do và Lê Lợi, Saigòn),  các họa sĩ này cũng vẽ chân dung thiếu nữ, nhưng đó là những chân dung và những màu sắc phản ánh ảnh hưởng hội họa Tây phương; thì cũng tại phòng triển lãm vừa kể, những bức tranh thiếu nữ Việt Nam, với nón quai thao, áo tứ thân lộng lẫy kiêu hãnh, tự tin bên trong khung kính của những cuộc triển lãm cả tháng…

Tôi thấy hầu hết du khách ngoại quốc, nếu không bước hẳn vào trong phòng triển lãm thì, họ cũng phải dán mũi vào khung kính, để ngắm nghía, trầm trồ, trước những bức thiếu nữ Việt Nam trên lụa của người họa sĩ độc đáo này.

Bây giờ, sau gần nửa thế kỷ, không ai biết, lớp người ái mộ Tú-Duyên-Thủ-Ấn-Họa ở đâu, về đâu…! Chỉ biết, riêng người làm thành trường phái Tranh Thủ Ấn Họa, vẫn còn đây. Ông vẫn còn, như một ngọn núi dũng mãnh, lầm lì, trước mọi bão táp thời gian và thế sự. Ông vẫn bắt thời gian phải ngừng lại bên ngoài khung cửa, căn nhà đường Nguyễn Công Trứ. Cũng như, chúng tôi tin, rồi đây, những người viết lịch sử hội họa Việt Nam, sẽ không thể không ghi, dù chỉ một câu ngắn ngủi : “Họa sĩ Tú Duyên, cha đẻ của trường phái Thủ Ấn Họa Việt Nam.”

Và, khi ấy, ông chẳng những không hề là một thứ hình ma, bóng quế, như những nhân vật trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân. Mà, ông sẽ sống vĩnh cửu, như ông đã từng một thời – một đời Tú Duyên, Việt Nam.

(T. Phan - California)

No comments:

Post a Comment

Thank you for writing!