Mười mấy năm trước, bạn bè tặng tôi cuốn sách
Ảnh Võ An Ninh. Những bức ảnh trong sách đã thực sự cuốn hút tôi. Tôi không
ngờ, ảnh chụp lại đẹp như tranh và mới biết thế nào “ngoài trời còn có trời”.
Có yêu nghề mới thấy nghề cao quý:
Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh |
Cụ nói: “Ngày ấy, bà con Sài Gòn đã tích cực đóng góp tiền của, lương thực, thực phẩm cứu đói kịp thời. Miếng khi đói, gói khi no / Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng”. Nhìn cụ già tóc bạc phơ, thả dài tận vai xúc động khi ngâm ngợi những câu thơ này,tôi và lão họa sĩ Tú Duyên cũng xúc động theo.
Biết tôi là người viết lách,cụ Võ khuyên tôi phải đắm say với nghề thì nghề không phụ. Cụ kể, để được bức ảnh Sapa như mọi người đã biết, cụ phải lên xuống Sapa khoảng bốn chục lần, từng đứng lên yên ngựa, vươn qua hàng rào thưa chọn góc độ đẹp để bấm máy hoặc ngồi “rình” cả tuần liền để “chớp” được khoảnh khắc cả Sapa trong biển mây trắng bồng bềnh...
Có yêu nghề mới thấy nghề cao quý và mới chinh phục được sự khó tính của con người. Văn chương cũng thế, đối thoại như thế là vừa, nếu thêm một câu có khi nghệ thuật đổ vỡ; tả cảnh như vậy và đến đó thì gợi được những tình ý mong muốn, nhưng kéo dài thêm một câu nữa, có khi cả đoạn văn sụp đổ. Chụp ảnh cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, ai “ngộ” được thì thành công. Lão họa sĩ Tú Duyên thú lắm và tôi cũng học được bài học này.
Mọi chuyện đều tùy duyên:
Cơ duyên tôi gặp được nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh là vào năm 1996 tại nhà lão họa sĩ Tú Duyên. Một người tập trung tinh thần vẽ theo lối thủ ấn họa, một người vừa nhìn vừa bình phẩm. Nhìn tuổi trời của hai cụ, nhất là cụ Võ (cụ Tú Duyên nhỏ hơn cụ Võ gần hai mươi tuổi), tôi hiểu hai cụ đang sống, được sống vui vẻ với convới cháu, không hề gặp phải những bi kịch gia đình. Với tôi, đó là thứ lộc trời dành cho mỗi người, không phải ai muốn là được.
Tính tôi thích thú những bức ảnh: Xe tay ngoài Thanh - 1935, Vịnh Hạ Long nhìn từ núi Bài Thơ- 1955, Gò Đống Đa - 1942... Với bức ảnh Xẻ gỗ trên bãi sông Hồng, tôi nói với cụ là rất giống với cảnh xẻ gỗ bên bến sông Vu Gia, quê tôi. Nhưng bức ảnh Bữa cơm trước khi ngược sông Lô - 1968, dường như cụ chú thích chưa trúng lắm. Cả cụ và lão họa sĩ Tú Duyên nhìn tôi. Tôi nói, bức ảnh đặc tả hai chiếc thuyền mui cắm sào bên bến sông, trên bãi cát ven sông, vài ba người ngồi bên bếp lò đang đỏ lửa, khói phả theo chiều gió...Tôi nghĩ, đây là lúc người ta “chuẩn bị bữa cơm” đúng hơn là “bữa cơm”. Cả hai đều gật gù.
Tôi hứng chí nói thêm: “Bức ảnh Sàng gạo, cụ chụp ở Phú Thọ năm 1965 rất đẹp, toát lên được công việc của các bà các chị, nhưng theo cháu, đó là công việc sảy gạo chứ không phải sàng gạo, vì tư thế các bà các chị là tư thế sảy bằng nia. Sàng gạo là phải dùng sàng chứ không thể dùng nia. Cụ Võ gật gù. Cụ Tú Duyên khen tôi rành việc nhà nông và xé tờ giấy trong tập giấy trắng bằng nửa cuốn vở học trò, đưa tôi: “Đây là tác phẩm Say mê, tôi tặng anh” (ký họa này, tôi đưa vào bìa 4 cuốn sách của tôi: Hoàng Đạo - Nhà báo, nhà văn, 1997).
Cụ Võ nhìn lướt qua và khen: “Đẹp đấy! Chỉ mấy nét mà đã toát lên được tinh thần của anh. Tiếc rằng, hôm nay tôi không mang theo máy ảnh. Nếu có thì tôi cũng sẽ chụp biếu anh một kiểu, nhưng mọi chuyện đều tùy duyên chứ chẳng phải lúc nào cũng làm được theo ý mình”...
Ngày xưa, biết bao người dành cả đời tu luyện thuật trường sinh; biết bao vị hoàng đế cũng vì muốn sốngthọ trăm tuổi trời mà làm nên bao điều bạo ngược, song chẳng ai bén gót đượccụ. Gần trăm năm qua, cụ “tu luyện thuật trường sinh” bằng sự yêu đời, bằng hạnh phúc gia đình, bằng nghề nghiệp mà cụ đã chọn, đã yêu...
Nghe tin cụ ra đi, lòng cháu tuy có buồn nhưng cũng mừng cho cụ đã sống xuyên hai thế kỷ, thấy được bàcon mình không còn cảnh đói như năm Ất Dậu, thấy được con cháu đã thànhngười hữu dụng cho xã hội... Xin nghiêng mình tiễn biệt cụ - nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh.
(Linh | Theo Vu Gia)