Gần trăm năm qua, nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh “tu luyện thuật trường sinh” bằng sự yêu đời, bằng hạnh phúc gia đình, bằng nghề nghiệp mà cụ đã chọn, đã yêu...
Mười mấy năm trước, bạn bè tặng tôi cuốn sách Ảnh Võ An Ninh. Những bức ảnh trong sách đã thực sự cuốn hút tôi. Tôi không ngờ, ảnh chụp lại đẹp như tranh và mới biết thế nào “ngoài trời còn có trời”.
Có yêu nghề mới thấy nghề cao quý
Cách nay mấy năm, tôi nghe tin sức khỏe cụ không tốt, ban lễ tang, điếu văn, thông cáo báo chí... đã được chuẩn bị sẵn, nhưng cụ lại mở bừng mắt cười vui với đời. Nhắc đến Võ An Ninh, người ta nói đến “con người của phong cảnh”. Song dấu ấn làm nên tên tuổi Võ An Ninh là bộ ảnh nạn đói năm Ất Dậu 1945. Theo cụ, bộ ảnh đó được gửi vào Sài Gòn, trưng bày trên phố Catinat (đường Đồng Khởi hiện nay), và cụ thấm thía nghĩa đồng bào. Cụ nói: “Ngày ấy, bà con Sài Gòn đã tích cực đóng góp tiền của, lương thực, thực phẩm cứu đói kịp thời. Miếng khi đói, gói khi no / Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng”. Nhìn cụ già tóc bạc phơ, thả dài tận vai xúc động khi ngâm ngợi những câu thơ này, tôi và lão họa sĩ Tú Duyên cũng xúc động theo.
Biết tôi là người viết lách, cụ Võ khuyên tôi phải đắm say với nghề thì nghề không phụ. Cụ kể, để được bức ảnh Sapa như mọi người đã biết, cụ phải lên xuống Sapa khoảng bốn chục lần, từng đứng lên yên ngựa, vươn qua hàng rào thưa chọn góc độ đẹp để bấm máy hoặc ngồi “rình” cả tuần liền để “chớp” được khoảnh khắc cả Sapa trong biển mây trắng bồng bềnh... Có yêu nghề mới thấy nghề cao quý và mới chinh phục được sự khó tính của con người. Văn chương cũng thế, đối thoại như thế là vừa, nếu thêm một câu có khi nghệ thuật đổ vỡ; tả cảnh như vậy và đến đó thì gợi được những tình ý mong muốn, nhưng kéo dài thêm một câu nữa, có khi cả đoạn văn sụp đổ. Chụp ảnh cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, ai “ngộ” được thì thành công. Lão họa sĩ Tú Duyên thú lắm và tôi cũng học được bài học này.
Mọi chuyện đều tùy duyên
Cơ duyên tôi gặp được nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh là vào năm 1996 tại nhà lão họa sĩ Tú Duyên. Một người tập trung tinh thần vẽ theo lối thủ ấn họa, một người vừa nhìn vừa bình phẩm. Nhìn tuổi trời của hai cụ, nhất là cụ Võ (cụ Tú Duyên nhỏ hơn cụ Võ gần hai mươi tuổi), tôi hiểu hai cụ đang sống, được sống vui vẻ với con với cháu, không hề gặp phải những bi kịch gia đình. Với tôi, đó là thứ lộc trời dành cho mỗi người, không phải ai muốn là được. Tính tôi thích thú những bức ảnh: Xe tay ngoài Thanh- 1935, Vịnh Hạ Long nhìn từ núi Bài Thơ - 1955, Gò Đống Đa - 1942... Với bức ảnh Xẻ gỗ trên bãi sông Hồng, tôi nói với cụ là rất giống với cảnh xẻ gỗ bên bến sông Vu Gia, quê tôi. Nhưng bức ảnh Bữa cơm trước khi ngược sông Lô - 1968, dường như cụ chú thích chưa trúng lắm. Cả cụ và lão họa sĩ Tú Duyên nhìn tôi. Tôi nói, bức ảnh đặc tả hai chiếc thuyền mui cắm sào bên bến sông, trên bãi cát ven sông, vài ba người ngồi bên bếp lò đang đỏ lửa, khói phả theo chiều gió... Tôi nghĩ, đây là lúc người ta “chuẩn bị bữa cơm” đúng hơn là “bữa cơm”. Cả hai đều gật gù. Tôi hứng chí nói thêm: “Bức ảnh Sàng gạo, cụ chụp ở Phú Thọ năm 1965 rất đẹp, toát lên được công việc của các bà các chị, nhưng theo cháu, đó là công việc sảy gạo chứ không phải sàng gạo, vì tư thế các bà các chị là tư thế sảy bằng nia. Sàng gạo là phải dùng sàng chứ không thể dùng nia. Cụ Võ gật gù. Cụ Tú Duyên khen tôi rành việc nhà nông và xé tờ giấy trong tập giấy trắng bằng nửa cuốn vở học trò, đưa tôi: “Đây là tác phẩm Say mê, tôi tặng anh” (ký họa này, tôi đưa vào bìa 4 cuốn sách của tôi: Hoàng Đạo- Nhà báo, nhà văn, 1997). Cụ Võ nhìn lướt qua và khen: “Đẹp đấy! Chỉ mấy nét mà đã toát lên được tinh thần của anh. Tiếc rằng, hôm nay tôi không mang theo máy ảnh. Nếu có thì tôi cũng sẽ chụp biếu anh một kiểu, nhưng mọi chuyện đều tùy duyên chứ chẳng phải lúc nào cũng làm được theo ý mình”...
Ngày xưa, biết bao người dành cả đời tu luyện thuật trường sinh; biết bao vị hoàng đế cũng vì muốn sống thọ trăm tuổi trời mà làm nên bao điều bạo ngược, song chẳng ai bén gót được cụ. Gần trăm năm qua, cụ “tu luyện thuật trường sinh” bằng sự yêu đời, bằng hạnh phúc gia đình, bằng nghề nghiệp mà cụ đã chọn, đã yêu... Nghe tin cụ ra đi, lòng cháu tuy có buồn nhưng cũng mừng cho cụ đã sống xuyên hai thế kỷ, thấy được bà con mình không còn cảnh đói như năm Ất Dậu, thấy được con cháu đã thành người hữu dụng cho xã hội... Xin nghiêng mình tiễn biệt cụ - nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh.
Người chép sử bằng ảnh
“Cây đại thụ” của làng nhiếp ảnh VN - Võ An Ninh - đã qua đời vào ngày 4-6 tại nhà riêng, hưởng thọ 103 tuổi. Võ An Ninh sinh ngày 18-6-1907, tại Hà Nội. Quê Bình Giang, Hải Dương. Võ An Ninh không chỉ là nghệ sĩ của phong cảnh mà còn là người chép sử bằng ảnh, trong đó nổi tiếng nhất là bộ ảnh ghi lại nạn đói năm 1945.
Võ An Ninh là một trong sáu nhà nhiếp ảnh Việt Nam đầu tiên được vào Phủ Chủ tịch chụp chân dung Bác Hồ. Ông cũng là người ghi lại được khá nhiều hoạt động của Hồ Chủ tịch trong những ngày đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhất là những bức ảnh ông chụp Bác Hồ trong ngày 2-9-1945. Sau ngày Hà Nội hoàn toàn giải phóng, ông chuyển sang ngành điện ảnh. Ở cương vị nào, ông cũng không quản gian khổ, hy sinh, tâm huyết vì nghệ thuật. Ông đã ghi lại vô số hình ảnh sinh động về đất nước, con người Việt Nam. Tác phẩm của ông cũng đạt được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh ngoài nước: Giải thưởng ngoại hạng triển lãm ảnh Paris-Pháp, huy chương đồng triển lãm ảnh quốc tế tại Liên Xô, bằng khen của triển lãm ảnh quốc tế BIFOTA...
Năm 1975, ông được tặng danh hiệu Người công dân TPHCM và là công dân số một của đất mỏ Quảng Ninh. Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng I, Huân chương Kháng chiến hạng I... Năm 1976, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Phóng sự ảnh về hoạt động của Bác Hồ (1945-1946), Phóng sự ảnh về thanh niên và nhân dân Sài Gòn đấu tranh chống Mỹ (1950).
Linh cữu nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh quàn tại nhà riêng, số 164 Ngô Gia Tự, P.9, Q.10 - TPHCM. Lễ viếng bắt đầu lúc 8 giờ ngày 6-6. Lễ truy điệu lúc 7 giờ ngày 9-6, sau đó đưa đi an táng tại Long Thành, Đồng Nai.
(Vu Gia)
No comments:
Post a Comment
Thank you for writing!