TÚ DUYÊN :: THỦ ẤN HỌA

A dedicated website has been launched by a fan. Created to highlight the work of woodblock printmaking, an art form and prints of highest artistic stage by Vietnamese artist Tu-Duyen!

“…Thủ ấn họa đã tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ khiến người coi cảm thấy có những sắc màu riêng biệt thích hợp với tâm trạng từng lúc, từng khi. Cái đó là do theo nguồn cảm hứng của họa sĩ tạo nên. Họa sĩ ấy là ai? Là TÚ DUYÊN vậy…”

Thursday, June 30, 2011

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC "THỦ ẤN HỌA" VỚI HỌA SĨ TÚ DUYÊN

Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Khoa Mỹ thuật công nghiệp          TP. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 06 năm 2011
    --------------------
CLB Ý Tưởng Sáng Tạo
Số: 04/2011/KH-CLB

KẾ HOẠCH
v/v: TỔ CHỨC BUỔI NÓI CHUYỆN CHUYỀN ĐỀ
THỦ ẤN HỌA VỚI HỌA SỸ TÚ DUYÊN

Kính gửi: Ban chủ nhiệm khoa Mỹ thuật công nghiệp

“Thủ Ấn Họa” là bộ môn mỹ thuật độc đáo, hấp dẫn mang đậm  nét văn hóa riêng của Việt Nam nhưng hiện nay vẫn còn bị nhìn nhận rất mơ hồ và thiếu thông tin.

Họa sỹ Tú Duyên; người sáng lập nên “Thủ Ấn Họa”. Ở tuổi 96, thầy vẫn tâm huyết; mong muốn truyền đạt cho giới sinh viên trẻ ngành mỹ thuật  những kiến thức, trãi nghiệm cả đời nghiên cứu, sáng tác và giảng dạy của mình.

Với những lí do trên, ban chủ nhiệm CLB Ý Tưởng Sáng Tạo lên kế hoạch tổ chức buổi nói chuyện chuyền đề : “Thủ Ấn Họa” với họa sỹ Tú Duyên.

I/Thời gian - Địa điểm:
Thời gian dự trù: 8h00 ngày 30/07/2011.
Địa điểm: Hội trường 2, cơ sở 1B/25 đường số 1, phường 16, Quận Gò Vấp.

II/ Nội dung:
1.     Kế hoạch thực hiện:
Lên kế hoạch từ 15/06 đến 18/6.
Công tác chuẩn bị: 19/06 đến 28/07. Phổ biến kế hoạch đến toàn bộ sinh viên khoa Mỹ thuật công nghiệp.
Khai mạc: 8h00 ngày 30/07.
Bế mạc: 11h00 cùng ngày.

2.     Thành phần khách mời:
Họa sỹ  Trương Văn Ý và tất cả giảng viên khoa Mỹ thuật công nghiệp.

3.     Thành lập ban tổ chức:
Chủ nhiệm CLB H.S Nguyễn Văn Đắc (Trưởng ban)
PCN CLB Nguyễn Hoài Anh (Thành viên)
PCN CLB Nguyễn Anh Tuấn (Thành viên)
Võ Thị Hạnh Trang (Thư kí)

III/ Mục Đích - Yêu cầu:
Mục đích:
Giới thiệu đến Khoa Mỹ thuật công nghiệp về bộ môn “Thủ Ấn Họa”

Yêu cầu:
Xây dựng mô hình học thuật mang màu sắc mới phục vụ cho nghiên cứu và học tập.
Thu hút đông đảo sinh viên.

Ý kiến chủ nhiệm khoa MTCN                              ĐẠI DIỆN BAN TỔ CHỨC

(CLB Ý Tưởng Sáng Tạo)

Wednesday, May 11, 2011

LA PEINTURE CHINOISE

Năm 1930 Giáo sư Họa sĩ Nam Sơn đã viết một cuốn sách rất giá trị: “ La Peinture Chinoise" - Hội họa Trung Hoa (bằng tiếng Pháp) in tại nhà in nổi tiếng Lê Văn Phúc - Hà Nội. Trong đó ông trình bày một tư tưởng nghệ thuật chủ đạo: Thiên nhiên - nguồn mạch “vĩnh cửu và vô tận” của hội họa, đặt viên gạch đầu tiên gây dựng nền móng học thuật của người Việt Nam, làm cơ sở lý luận để nghiên cứu và tìm kiếm những đặc tính á Đông cho nền hội họa Việt Nam nhằm cung cấp thêm hiểu biết cho sinh viên. Đó là cuốn sách mỹ thuật bằng tiếng Pháp đầu tiên do một người Việt Nam biên soạn và xuất bản.

Làm việc ở một trường mỹ thuật chính quy, phải dạy vẽ theo phương pháp hàn lâm châu Âu, song ông còn viết cuốn sách "Hội hoạ Trung Hoa" (1930) để đưa ra "Tuyên ngôn nghệ thuật phương Đông", hướng dẫn sinh viên đi thăm các di tích văn hoá - nghệ thuật để trau dồi vốn cổ và lắng hồn dân tộc. Ông luôn nhắc học sinh "học vẽ với thầy chỉ là một, điều quan trọng là phải phát huy đến trăm lần khi ra đời" - lời của hoạ sĩ Tú Duyên nhớ lại và đăng trên báo "Sài Gòn giải phóng" năm 1996. Và, rất tâm đắc với quan điểm của Ottaviano Petrucci "Đã đến lúc nền văn minh chung của của nhân loại muốn có bước đi tiếp trên quả đất, cần phải biết hoà nhập, thu thái những dị - đồng của cổ đại", ông đã đưa ý kiến của nhà phát minh khoa học người Italia này vào cuốn sách của mình như một phương châm đào tạo và sáng tác. Ông rất giỏi hình hoạ nghiên cứu, song rất coi trọng ký hoạ thâm diễn, biết khai thác cả phần giống và phần khác nhau của các nền hội hoạ thế giới để dạy sinh viên và đưa vào sáng tác của mình, do đó các lớp hoạ sĩ vốn là sản phẩm đào tạo của ông đều có tác phẩm nghiêm túc mà không khô cằn, trái lại "luôn tươi mát như nụ hoa mới nở" (lời hoạ sĩ Tô Ngọc Vân). Nhiều tác phẩm của họ được công chúng nghệ thuật Âu - Mỹ rất trân trọng và mua với giá cao, vì nó không lặp lại cái mà họ đã qua, nó chặt chẽ với chất thông thái hàm súc phương Đông, nó mang nét đẹp nhiệt đới đầy ấn tượng với những con người Việt Nam đôn hậu.

Wednesday, April 27, 2011

BẢO TÀNG MỸ THUẬT TP HCM MỞ RỘNG CƠ NGƠI

Hơn 20 năm hoạt động, lần đầu tiên Bảo tàng Mỹ thuật thành phố mở rộng thêm khu trưng bày có diện tích gần 1.500 m2. Nơi đây được dành giới thiệu các bộ sưu tập mỹ thuật đặc trưng, nhất là hiện vật của khu vực phía Nam.

Khu trưng bày mới là một tòa nhà nằm cạnh Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, vẫn thuộc quần thể kiến trúc chung của bảo tàng.

Họa sĩ Hứa Thanh Bình
Nhân dịp khai trương tòa nhà mới vào ngày 23/4, Bảo tàng mở cuộc triển lãm trưng bày chuyên đề "Hiện vật sưu tầm từ năm 2006-2010", giới thiệu gần 300 tranh, tượng và ký họa trong tổng số gần 1.400 hiện vật góp nhặt được trong 5 năm qua.

"Tòa nhà 3 tầng cũ vốn được sử dụng làm nơi trưng bày, triển lãm từ trước đến nay không thể đáp ứng hết nhu cầu của bảo tàng khi số lượng hiện vật ngày càng nhiều. Vì thế, việc mở rộng cơ ngơi sang tòa nhà thứ hai là hết sức cần thiết", bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, cho biết.

Khu mới của bảo tàng khá rộng, thoáng đãng, tạo cảm giác dễ chịu cho khách tham quan khi đến thưởng lãm nghệ thuật. Tác phẩm ở đây được trưng bày, sắp xếp theo từng bộ sưu tập, giúp khán giả dễ hình dung được quá trình sáng tác, phong cách hội họa của các tác giả như: họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tú Duyên, Kim Bạch, Trần Nguyên Đán, nhà điêu khắc Đinh Rú... Thêm vào đó, khu nhà có hệ thống ánh sáng, đèn chiếu được nâng cấp, có ghế dài cho khách nghỉ chân khi xem tranh.

Trước đây, bảo tàng vốn là nhà ở của một người Hoa, thường được gọi là "nhà chú Hỏa", xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Từ năm 1987, UBND TP HCM giao "nhà chú Hỏa" cho Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM để cải tạo mở rộng, nhưng riêng các khu nhà chính không được phép phá bỏ bất kỳ mảng kiến trúc nào. Điều này được bảo tàng tuân thủ chặt chẽ.

Họa sĩ Thanh Bình, cán bộ bảo tàng cho biết, mọi hoạt động sửa chữa tòa nhà được làm hết sức cẩn thận, từ màu sắc cho đến thiết kế nội thất, nhằm giữ cho không gian kiến trúc này được bảo toàn theo thời gian. Hiện bảo tàng đã làm hồ sơ xin công nhận di sản kiến trúc cho tòa nhà.

Năm 2006, giám đốc Mã Thanh Cao là người may mắn được gặp gỡ với gia đình nhà chú Hỏa khi họ từ nước ngoài về thăm lại TP HCM. Kể từ đó, bà Cao luôn giữ liên lạc với con cháu chú Hỏa để tìm hiểu, cập nhật thông tin về quá trình lịch sử xây dựng của tòa nhà.

Ngày nay, đến với bảo tàng, du khách có thể thưởng thức các hiện vật mỹ thuật cổ như: mỹ thuật Óc Eo và hậu Óc Eo, Chămpa, mỹ thuật thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, gốm Lý - Trần - Lê, gốm Sài Gòn xưa, đồ thờ cúng bằng chất liệu đồng, đồ chạm gỗ, cẩn xà cừ... Mỹ thuật hiện đại gồm: sưu tập tác phẩm của các danh họa Việt Nam từng học tại trường Mỹ thuật Gia Định, Mỹ thuật Đông Dương, sưu tập ký họa kháng chiến... và các tác phẩm sáng tác từ năm 1975 đến nay.

(Thoại Hà)

Monday, April 25, 2011

NÂNG CẤP & MỞ RỘNG BẢO TÀNG MỸ THUẬT TP. HCM

Ngày 23.4, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (số 97A Phó Đức Chính , Q.1, TP.HCM) đã chính thức khai trương Khu nhà trưng bày mới nằm liền kề bên cạnh (tức số 97 Phó Đức Chính).

Bên trong khu trưng bày mới
Đây vốn là khu quần thể kiến trúc cổ của dòng họ Hun Bon Hoa (chú Hỏa) nổi tiếng mà ngày 15.9.2001, UBND TP.HCM đã quyết định cho phép Bảo tàng Mỹ thuật tiếp nhận thêm 2 tòa nhà (số 97 Phó Đức Chính và số 54 Nguyễn Thái Bình - cả hai tòa nhà này trước đây do Trung tâm Thông tin - Triển lãm thuộc Sở VH-TT TP.HCM quản lý). Tổng diện tích cả ba tòa nhà gần 10.000m2. Tuy nhiên, dự án này chỉ mới thực hiện xong giai đoạn I (cải tạo tòa nhà 97 Phó Đức Chính và một phần sân vườn) với kinh phí 3 tỉ đồng… Dịp này, ở đây cũng sẽ khai mạc trưng bày chuyên đề Hiện vật sưu tầm từ năm 2006-2010, với gần 300 tranh, tượng, ký họa kháng chiến trong tổng số 1.388 hiện vật mà bảo tàng đã sưu tầm được trong 5 năm qua. Trong đó có khá nhiều tác phẩm được sáng tác tại Sài Gòn trước năm 1975 của các họa sĩ: Nguyễn Gia Trí, Tú Duyên, Nguyễn Trí Minh, Trương Thị Thịnh, Bé Ký, Lê Chanh, Trần Kim Hùng… Điểm nhấn của trưng bày này là 72 phác thảo của danh họa Nguyễn Gia Trí được bảo tàng mua lại với giá 1,844 tỉ đồng.

Từ nhiều năm nay, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng đang lưu giữ bức sơn mài Vườn Xuân Trung - Nam - Bắc của Nguyễn Gia Trí được UBND TP.HCM mua năm 1990 với 100.000 USD và tặng lại cho bảo tàng. Hiện Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đang làm hồ sơ để tác phẩm này được công nhận là bảo vật quốc gia.

(Hà Đình Nguyên)

Sunday, April 24, 2011

TÍN HIỆU MỚI

Một tin vui cho giới mỹ thuật và công chúng xem tranh: Ngày 23-4, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM chính thức khai trương Khu trưng bày mới tại 97A Phó Đức Chính, quận 1. Dịp này, Bảo tàng đã tuyển chọn, triển lãm khoảng 300 tác phẩm trong bộ sưu tập 5 năm (2006 – 2010).

Làm thế nào tìm được nét đặc sắc riêng của một bảo tàng mỹ thuật so với hệ thống bảo tàng của thành phố và các bảo tàng khác trong cả nước?

Xác định điều này, Ban Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã định hướng chọn những tác phẩm có giá trị mỹ thuật cao, song song với việc chọn những tác phẩm góp phần định hình và phát triển các bộ sưu tập của một số họa sĩ, điêu khắc gia có uy tín.

Tại Khu trưng bày mới, công chúng yêu mỹ thuật sẽ có dịp thưởng thức: các tác phẩm sơn mài nổi tiếng và một số phác thảo của Nguyễn Gia Trí; tác phẩm thủ ấn họa của Tú Duyên; tranh lụa của Lê Thị Kim Bạch; tranh khắc gỗ của Trần Nguyên Đán; tranh sơn mài, sơn dầu của Quách Phong; tượng điêu khắc của Đinh Rú…

Đi tìm những gương mặt tiêu biểu trong bộ sưu tập mỹ thuật đương đại với nhiều đề tài, chất liệu, phong cách khác nhau, người xem sẽ bắt gặp các tác phẩm của Đỗ Tuấn Anh, Phạm Nguyên Cẩn, Nguyễn Thanh Châu, Nguyễn Tấn Cương, Trương Hán Minh, Trang Phượng, Tô Sanh, Bùi Hải Sơn, Phạm Thanh Tâm, Trần Văn Thảo, Ca Lê Thắng…

Sớm xác định tranh ký họa kháng chiến là nét đặc trưng của bảo tàng, bộ sưu tập ký họa miền Nam phản ánh cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân miền Nam trong kháng chiến luôn tạo được nhiều cảm xúc cho người xem. Thế mạnh của mảng đề tài ký họa kháng chiến được tìm thấy qua tác phẩm của Vũ Ba, Trần Quang Bộ, Trường Chăm, Huỳnh Phương Đông, Lê Lam, Phạm Mùi, Phan Oánh, Phan Phương Trực, Võ Xưởng…

Một bộ phận trưng bày khác, tạo sắc thái riêng của bảo tàng là bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật Sài Gòn trước năm 1975. Qua nhiều đề tài phong cảnh, tĩnh vật, chân dung được thể hiện qua nhiều bút pháp hiện thực, biểu hiện, trừu tượng, công chúng xem tranh sẽ gặp lại một số tác phẩm của Hồ Thành Đức, Trần Kim Hùng, Bé Ký, Nguyễn Lâm, Nguyễn Trí Minh, Nguyễn Phước, Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Siên, Trương Thị Thìn, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Trung…

Giới thiệu phần tuyển chọn tiêu biểu các hiện vật sưu tập trong 5 năm qua tại khu trưng bày này, đang hé lộ sự mở đầu đổi mới trong hoạt động mỹ thuật ở TPHCM. Với cơ ngơi mở rộng, chuẩn bị trùng tu và sắp xếp lại “kho tàng” hiện vật khá phong phú, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đang tạo sức thu hút từ nhiều nét đặc trưng, độc đáo của khu vực phía Nam.

Từ vị thế mới, thời gian tới, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM có thể đáp ứng nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ của công chúng trong, ngoài nước nhiều hơn, cao hơn, xứng tầm là một trong hai bảo tàng mỹ thuật lớn, tiêu biểu của Việt Nam.

(Kim Ửng)

Saturday, April 23, 2011

TÁC PHẨM MỸ THUẬT THỜI KHÁNG CHIẾN

Khách tham quan tác phẩm mỹ thuật
Gần 300 tranh, tượng và ký họa kháng chiến trong tổng số 1388 hiện vật được Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh sưu tập đã ra mắt đông đảo công chúng yêu nghệ thuật thành phố tại triển lãm khai mạc trưng bày chuyên đề “Hiện vật sưu tầm 2006-2010” ngày 23/4.

Nằm trong hoạt động chào mừng 36 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, triển lãm hội tụ những tác phẩm vượt thời gian của những họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Những tư liệu quý giá lưu lại dấu ấn của một thời kỳ kháng chiến gian khổ nhưng đầy hào hùng của quân dân miền Nam được thể hiện qua 63 ký họa tái hiện sống động thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam.

Bộ sưu tập 28 tranh đả kích và tranh cổ động của họa sĩ Trần Văn Nam, Phan Phương Trực với chủ đề về sự thất bại thảm hại của chiến lược chiến tranh của Mỹ và động viên tinh thần đoàn kết, quyết chiến quyết thắng, lao động hăng say của quân dân Việt Nam tiêu diệt quân xâm lược.

Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu 66 tác phẩm hội họa và điêu khắc bằng nhiều chất liệu, đa phong cách về đề tài chiến tranh cách mạng, xây dựng quê hương, tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em được giới thiệu trong bộ sưu tập mỹ thuật đương đại.

Đặc biệt, 22 tác phẩm trong bộ sưu tập mỹ thuật Sài Gòn trước năm 1975 thể hiện nỗi buồn chiến tranh, ước vọng hòa bình, vẻ đẹp con người trong cuộc sống và còn nhiều những tác phẩm nổi tiếng của các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tú Duyên, Quách Phong, Trần Nguyên Đán, nhà điêu khắc Đinh Rú… Triển lãm mở cửa đến hết tháng 10/2011.

Nhân dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng chính thức khai trương khu nhà trưng bày mới với tổng diện tích 1.500m2 để phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước./.

(Gia Thuận | TTXVN)

Saturday, February 26, 2011

HỌA SĨ HOÀNG NGỌC HỮU - TÔI VẼ QUÊ HƯƠNG TỪ TÂM TƯỞNG

Giữa những bức tranh tươi sáng, nồng ấm vẽ về thiếu nữ cố đô, phong cảnh sông Hương, thỉnh thoảng vẫn đan xen vài bức thu vàng, mùa đông bên sông Bug (Ba Lan) như một cách điểm xuyết phòng tranh. Đó là cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên ở Việt Nam của họa sĩ Hoàng Ngọc Hữu – họa sĩ người Việt tại Ba Lan, do gallery Lotus tổ chức, diễn ra tại 92 Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM.

Chọn lọc trưng bày 65 bức tranh sơn dầu, với chủ đề Hồi tưởng, Hoàng Ngọc Hữu đã giới thiệu với người xem những trang hồi ức của ông về quê hương xứ Huế trong suốt thời gian xa quê gần 40 năm. “Tôi vẽ bằng tâm tưởng, bằng tâm tình bột phát, bằng những phút giây khi ngôn ngữ viết trên những trang giấy gặp bế tắc không đủ sức diễn tả tâm trạng nhớ quê da diết của một người Việt xa xứ…”, họa sĩ Hoàng Ngọc Hữu bày tỏ. Thế nên, quê hương trong tranh ông được thể hiện vừa rất thực, vừa rất huyền ảo, uyển chuyển như những giấc mơ.

Huế trong tranh Hoàng Ngọc Hữu trước hết là ký ức của tuổi thơ nhớ về những ngày lễ hội Múa Rồng đậm chất văn hóa dân tộc; là dịp Trẩy hội, Hành hương đầu xuân, Lễ chùa và ấn tượng lạ lùng về cảnh Lên đồng đầy thu hút với âm vang rộn rã của những người phụ nữ hát chầu văn. Huế xưa trong nỗi nhớ của tác giả còn là hình ảnh của sen thành Nội, của cây cổ thụ bên hồ Tịnh Tâm, của những con đò, bến nước bên bờ Hương giang và đặc biệt nhất là hình ảnh các cô gái Huế được vẽ khá nhiều trong tranh Hoàng Ngọc Hữu.

Không sử dụng nhiều các gam màu tím, màu sen, màu xanh rêu phong của thành quách thâm trầm, cổ kính thường thấy trong tranh về Huế, gam màu chủ đạo trong tranh Hoàng Ngọc Hữu thường tràn ngập sắc vàng tươi, vàng sậm, đỏ, nâu, tạo cảm giác ấm, nóng. Đó là những cảm xúc hoài niệm về quê hương thật đẹp, lộng lẫy. Tuy vậy, vẫn có những sắc thái tạo thế cân bằng, hài hòa, êm ái hơn cho tranh ông khi nước là hình ảnh được gợi lên khá nhiều trong những bức vẽ, qua bóng hình của con sông, dòng suối, ao, hồ…

Xuất thân ban đầu là một kỹ sư ngành đóng tàu, nhưng yêu quý văn học nghệ thuật và chính hội họa đã giúp Hoàng Ngọc Hữu gặp lại quê hương bằng cuộc hành trình nghệ thuật của ông. Không phải dễ dàng khi đứng giữa hấp lực và áp lực của hai nền văn hóa phương Đông, phương Tây nhưng Hồi tưởng cũng chính là sự lựa chọn về cội nguồn không có gì cưỡng lại của tác giả.
 
Xem tranh ông, người thưởng thức có cảm giác bắt gặp một chút phảng phất tính chất dân gian - hiện đại của các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Tú Duyên, đồng thời cho thấy sự tiếp nhận tính chất phương Tây khá linh hoạt của tác giả. Đó cũng là nét riêng đặc sắc của tranh Hoàng Ngọc Hữu.

(Kim Ửng | SGGP)

Friday, February 18, 2011

VIETNAMESE SILK SCREEN PAINTING


Imported Vietnamese Silk Screen art in frame. This is a vintage piece possibly circa 1973. The subject matter is of Vietnamese children in beautiful traditional dress with water buffalo in pastel colors. The work is signed and dated by the original artist, Tu Duyen 1973. The piece measures 22 " wide, 19" tall and about 2" deep.


(Worthopedia)

Thursday, January 20, 2011

MỸ THUẬT: THUẬN MUA, THÌ BÁN ...

Bán

Chiều 23.6, không kìm nổi sự hân hoan, bà Thu Hà - chủ phòng tranh Tự Do - thông báo: Một doanh nhân đã đồng ý mua một nửa (10 bức) triển lãm (TL) tranh "Lụa" của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn (diễn ra từ 6-20.6). Trong hai mươi năm làm nghề tổ chức TL, mua bán tranh, đây là lần vợ chồng bà Thu Hà thu được kết quả khả quan về tinh thần lẫn vật chất.

Tiêu chí tổ chức TL của phòng tranh Tự Do: Họa sĩ vẽ nhiều, có nét riêng, nhất quán trong phong cách, có quá trình làm việc ổn định. Tranh TL của các họa sĩ thường đề giá từ 500-2.000USD. "Cũng có những TL, chúng tôi không bán được bức nào. Thu nhập của phòng tranh về cơ bản, trông vào những tranh treo mỗi ngày - bà Hà nói - Hiện du khách vẫn là "nguồn" mua tranh chính.

Đây là điểm khó nhất trong việc tiêu thụ tranh tại nước ta hiện nay. Điểm sợ nhất đối với một chủ phòng tranh là tình trạng họa sĩ thấy một "dạng..." tranh của mình bán được, bèn cứ thế lặp lại mình. Thời điểm này, việc bán tranh bị chậm lại. Khẩu vị mua tranh của khách, theo chúng tôi, không thay đổi. Về nguyên tắc, tranh đẹp, có phong cách riêng, vẫn bán tốt. Khách mua tranh người Việt bây giờ thường phải là người rất vững về kinh tế".

"Nhìn chung, loại tranh "dễ nhìn, dễ hiểu" hiện vẫn có đầu ra ổn định" - họa sĩ Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM - nói. Tại TL "Hương sắc miền Tây" của họa sĩ người Tiền Giang là Phúc An (khai mạc 16.6, BT Mỹ thuật TPHCM), 5/32 tranh sơn dầu tả thực cây trái miền Tây đã được bán cho chủ một resort của Phan Thiết.

Trong số những TL tổ chức tại trụ sở Hội Mỹ thuật TPHCM gần đây, TL tranh thủy mặc của họa sĩ Trương Hán Minh bán được nhiều nhất - phần lớn là những tranh thể hiện ý tứ tài, lộc, bình an được các chủ doanh nghiệp mua. Một số họa sĩ như: Nguyễn Thanh Bình, Hứa Thanh Bình, Tấn Cương, Lim Khim Katy... là những người có thể bán được tranh vào thời điểm này.

Mua

Chiều 23.6, Hội đồng nghệ thuật (gồm đại diện Sở VHTTDL, Hội Mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM...) họp về việc mua tác phẩm của nhà điêu khắc Tô Sanh - tác giả của 300 tượng toàn thân, bán thân các vị lãnh tụ, lãnh đạo trong nước, quốc tế, giới trí thức, văn nghệ sĩ...

Từ mấy năm trước, ông Tô Sanh đã đề nghị TPHCM mua các tác phẩm của ông, kèm đơn đề nghị, ông photocopy những lời nhận xét của một số vị lãnh đạo về tác phẩm... Ngoài ra, được biết, trong việc đề nghị bán tác phẩm, cũng còn có lý do nhà ông Tô Sanh chật, không lẽ cứ đặt mãi tượng các vị lãnh đạo, lãnh tụ ở ngoài hiên nhà... Điều này, cũng có khiến những người quản lý mỹ thuật TPHCM bối rối.

Không lẽ việc mua tác phẩm cũng là vì... hoàn cảnh? Theo quyết định của Hội đồng nghệ thuật, 3 bức tượng của ông Tô Sanh sẽ được mua: Chân dung tác giả, chân dung NSND Phùng Há, nhạc sĩ Văn Cao. Tuy nhiên, việc mua tác phẩm vẫn chưa giải quyết xong vì còn lấn cấn ở chỗ không còn bản gốc bằng thạch cao tượng Phùng Há, Văn Cao...

"Chúng tôi tán thành chủ trương Nhà nước mua tác phẩm nghệ thuật. Quan điểm của tôi: Nhà nước có "con mắt xanh" mua tác phẩm mỹ thuật, ngoài chuyện không để "chảy máu nghệ thuật" của các tác giả nổi tiếng, còn có thể để đó, làm quà tặng cho khách, hay trang trí trong phòng tiếp khách. Nghệ sĩ chúng tôi, xem chương trình thời sự trên tivi, hay để ý tới tranh treo phòng tiếp khách của các vị lãnh đạo hay tranh tặng cho khách..." - họa sĩ Uyên Huy nói.

Sáng 24.6, trao đổi với chúng tôi, họa sĩ - nhà điêu khắc Thành Thi -Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm-Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM - cho biết: "Định hướng lớn trong việc mua tranh của bảo tàng hiện nay: Những tác phẩm đặc trưng của mỹ thuật miền Nam, ký họa kháng chiến, hội họa tại miền Nam trước 1975.

Hai lần mua tranh gần đây nhất của bảo tàng là mua bộ 23 tranh của họa sĩ Kim Bạch và 52 bản khắc của Tú Duyên - họa sĩ cao niên, nổi tiếng với tranh thủ ấn họa. Chúng tôi hiểu rằng, tiền mua tác phẩm nghệ thuật cũng là tiền đóng thuế của người dân. Cần kỹ. Tuy nhiên, quy trình mua tác phẩm có nhiều khâu, kéo dài thời gian, do đó, quy trình mua tác phẩm nên nhanh, linh hoạt hơn...".

(Thùy Ân | Báo Lao Động)