TÚ DUYÊN :: THỦ ẤN HỌA

A dedicated website has been launched by a fan. Created to highlight the work of woodblock printmaking, an art form and prints of highest artistic stage by Vietnamese artist Tu-Duyen!

“…Thủ ấn họa đã tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ khiến người coi cảm thấy có những sắc màu riêng biệt thích hợp với tâm trạng từng lúc, từng khi. Cái đó là do theo nguồn cảm hứng của họa sĩ tạo nên. Họa sĩ ấy là ai? Là TÚ DUYÊN vậy…”

Wednesday, April 27, 2011

BẢO TÀNG MỸ THUẬT TP HCM MỞ RỘNG CƠ NGƠI

Hơn 20 năm hoạt động, lần đầu tiên Bảo tàng Mỹ thuật thành phố mở rộng thêm khu trưng bày có diện tích gần 1.500 m2. Nơi đây được dành giới thiệu các bộ sưu tập mỹ thuật đặc trưng, nhất là hiện vật của khu vực phía Nam.

Khu trưng bày mới là một tòa nhà nằm cạnh Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, vẫn thuộc quần thể kiến trúc chung của bảo tàng.

Họa sĩ Hứa Thanh Bình
Nhân dịp khai trương tòa nhà mới vào ngày 23/4, Bảo tàng mở cuộc triển lãm trưng bày chuyên đề "Hiện vật sưu tầm từ năm 2006-2010", giới thiệu gần 300 tranh, tượng và ký họa trong tổng số gần 1.400 hiện vật góp nhặt được trong 5 năm qua.

"Tòa nhà 3 tầng cũ vốn được sử dụng làm nơi trưng bày, triển lãm từ trước đến nay không thể đáp ứng hết nhu cầu của bảo tàng khi số lượng hiện vật ngày càng nhiều. Vì thế, việc mở rộng cơ ngơi sang tòa nhà thứ hai là hết sức cần thiết", bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, cho biết.

Khu mới của bảo tàng khá rộng, thoáng đãng, tạo cảm giác dễ chịu cho khách tham quan khi đến thưởng lãm nghệ thuật. Tác phẩm ở đây được trưng bày, sắp xếp theo từng bộ sưu tập, giúp khán giả dễ hình dung được quá trình sáng tác, phong cách hội họa của các tác giả như: họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tú Duyên, Kim Bạch, Trần Nguyên Đán, nhà điêu khắc Đinh Rú... Thêm vào đó, khu nhà có hệ thống ánh sáng, đèn chiếu được nâng cấp, có ghế dài cho khách nghỉ chân khi xem tranh.

Trước đây, bảo tàng vốn là nhà ở của một người Hoa, thường được gọi là "nhà chú Hỏa", xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Từ năm 1987, UBND TP HCM giao "nhà chú Hỏa" cho Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM để cải tạo mở rộng, nhưng riêng các khu nhà chính không được phép phá bỏ bất kỳ mảng kiến trúc nào. Điều này được bảo tàng tuân thủ chặt chẽ.

Họa sĩ Thanh Bình, cán bộ bảo tàng cho biết, mọi hoạt động sửa chữa tòa nhà được làm hết sức cẩn thận, từ màu sắc cho đến thiết kế nội thất, nhằm giữ cho không gian kiến trúc này được bảo toàn theo thời gian. Hiện bảo tàng đã làm hồ sơ xin công nhận di sản kiến trúc cho tòa nhà.

Năm 2006, giám đốc Mã Thanh Cao là người may mắn được gặp gỡ với gia đình nhà chú Hỏa khi họ từ nước ngoài về thăm lại TP HCM. Kể từ đó, bà Cao luôn giữ liên lạc với con cháu chú Hỏa để tìm hiểu, cập nhật thông tin về quá trình lịch sử xây dựng của tòa nhà.

Ngày nay, đến với bảo tàng, du khách có thể thưởng thức các hiện vật mỹ thuật cổ như: mỹ thuật Óc Eo và hậu Óc Eo, Chămpa, mỹ thuật thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, gốm Lý - Trần - Lê, gốm Sài Gòn xưa, đồ thờ cúng bằng chất liệu đồng, đồ chạm gỗ, cẩn xà cừ... Mỹ thuật hiện đại gồm: sưu tập tác phẩm của các danh họa Việt Nam từng học tại trường Mỹ thuật Gia Định, Mỹ thuật Đông Dương, sưu tập ký họa kháng chiến... và các tác phẩm sáng tác từ năm 1975 đến nay.

(Thoại Hà)

Monday, April 25, 2011

NÂNG CẤP & MỞ RỘNG BẢO TÀNG MỸ THUẬT TP. HCM

Ngày 23.4, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (số 97A Phó Đức Chính , Q.1, TP.HCM) đã chính thức khai trương Khu nhà trưng bày mới nằm liền kề bên cạnh (tức số 97 Phó Đức Chính).

Bên trong khu trưng bày mới
Đây vốn là khu quần thể kiến trúc cổ của dòng họ Hun Bon Hoa (chú Hỏa) nổi tiếng mà ngày 15.9.2001, UBND TP.HCM đã quyết định cho phép Bảo tàng Mỹ thuật tiếp nhận thêm 2 tòa nhà (số 97 Phó Đức Chính và số 54 Nguyễn Thái Bình - cả hai tòa nhà này trước đây do Trung tâm Thông tin - Triển lãm thuộc Sở VH-TT TP.HCM quản lý). Tổng diện tích cả ba tòa nhà gần 10.000m2. Tuy nhiên, dự án này chỉ mới thực hiện xong giai đoạn I (cải tạo tòa nhà 97 Phó Đức Chính và một phần sân vườn) với kinh phí 3 tỉ đồng… Dịp này, ở đây cũng sẽ khai mạc trưng bày chuyên đề Hiện vật sưu tầm từ năm 2006-2010, với gần 300 tranh, tượng, ký họa kháng chiến trong tổng số 1.388 hiện vật mà bảo tàng đã sưu tầm được trong 5 năm qua. Trong đó có khá nhiều tác phẩm được sáng tác tại Sài Gòn trước năm 1975 của các họa sĩ: Nguyễn Gia Trí, Tú Duyên, Nguyễn Trí Minh, Trương Thị Thịnh, Bé Ký, Lê Chanh, Trần Kim Hùng… Điểm nhấn của trưng bày này là 72 phác thảo của danh họa Nguyễn Gia Trí được bảo tàng mua lại với giá 1,844 tỉ đồng.

Từ nhiều năm nay, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng đang lưu giữ bức sơn mài Vườn Xuân Trung - Nam - Bắc của Nguyễn Gia Trí được UBND TP.HCM mua năm 1990 với 100.000 USD và tặng lại cho bảo tàng. Hiện Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đang làm hồ sơ để tác phẩm này được công nhận là bảo vật quốc gia.

(Hà Đình Nguyên)

Sunday, April 24, 2011

TÍN HIỆU MỚI

Một tin vui cho giới mỹ thuật và công chúng xem tranh: Ngày 23-4, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM chính thức khai trương Khu trưng bày mới tại 97A Phó Đức Chính, quận 1. Dịp này, Bảo tàng đã tuyển chọn, triển lãm khoảng 300 tác phẩm trong bộ sưu tập 5 năm (2006 – 2010).

Làm thế nào tìm được nét đặc sắc riêng của một bảo tàng mỹ thuật so với hệ thống bảo tàng của thành phố và các bảo tàng khác trong cả nước?

Xác định điều này, Ban Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã định hướng chọn những tác phẩm có giá trị mỹ thuật cao, song song với việc chọn những tác phẩm góp phần định hình và phát triển các bộ sưu tập của một số họa sĩ, điêu khắc gia có uy tín.

Tại Khu trưng bày mới, công chúng yêu mỹ thuật sẽ có dịp thưởng thức: các tác phẩm sơn mài nổi tiếng và một số phác thảo của Nguyễn Gia Trí; tác phẩm thủ ấn họa của Tú Duyên; tranh lụa của Lê Thị Kim Bạch; tranh khắc gỗ của Trần Nguyên Đán; tranh sơn mài, sơn dầu của Quách Phong; tượng điêu khắc của Đinh Rú…

Đi tìm những gương mặt tiêu biểu trong bộ sưu tập mỹ thuật đương đại với nhiều đề tài, chất liệu, phong cách khác nhau, người xem sẽ bắt gặp các tác phẩm của Đỗ Tuấn Anh, Phạm Nguyên Cẩn, Nguyễn Thanh Châu, Nguyễn Tấn Cương, Trương Hán Minh, Trang Phượng, Tô Sanh, Bùi Hải Sơn, Phạm Thanh Tâm, Trần Văn Thảo, Ca Lê Thắng…

Sớm xác định tranh ký họa kháng chiến là nét đặc trưng của bảo tàng, bộ sưu tập ký họa miền Nam phản ánh cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân miền Nam trong kháng chiến luôn tạo được nhiều cảm xúc cho người xem. Thế mạnh của mảng đề tài ký họa kháng chiến được tìm thấy qua tác phẩm của Vũ Ba, Trần Quang Bộ, Trường Chăm, Huỳnh Phương Đông, Lê Lam, Phạm Mùi, Phan Oánh, Phan Phương Trực, Võ Xưởng…

Một bộ phận trưng bày khác, tạo sắc thái riêng của bảo tàng là bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật Sài Gòn trước năm 1975. Qua nhiều đề tài phong cảnh, tĩnh vật, chân dung được thể hiện qua nhiều bút pháp hiện thực, biểu hiện, trừu tượng, công chúng xem tranh sẽ gặp lại một số tác phẩm của Hồ Thành Đức, Trần Kim Hùng, Bé Ký, Nguyễn Lâm, Nguyễn Trí Minh, Nguyễn Phước, Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Siên, Trương Thị Thìn, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Trung…

Giới thiệu phần tuyển chọn tiêu biểu các hiện vật sưu tập trong 5 năm qua tại khu trưng bày này, đang hé lộ sự mở đầu đổi mới trong hoạt động mỹ thuật ở TPHCM. Với cơ ngơi mở rộng, chuẩn bị trùng tu và sắp xếp lại “kho tàng” hiện vật khá phong phú, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đang tạo sức thu hút từ nhiều nét đặc trưng, độc đáo của khu vực phía Nam.

Từ vị thế mới, thời gian tới, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM có thể đáp ứng nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ của công chúng trong, ngoài nước nhiều hơn, cao hơn, xứng tầm là một trong hai bảo tàng mỹ thuật lớn, tiêu biểu của Việt Nam.

(Kim Ửng)

Saturday, April 23, 2011

TÁC PHẨM MỸ THUẬT THỜI KHÁNG CHIẾN

Khách tham quan tác phẩm mỹ thuật
Gần 300 tranh, tượng và ký họa kháng chiến trong tổng số 1388 hiện vật được Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh sưu tập đã ra mắt đông đảo công chúng yêu nghệ thuật thành phố tại triển lãm khai mạc trưng bày chuyên đề “Hiện vật sưu tầm 2006-2010” ngày 23/4.

Nằm trong hoạt động chào mừng 36 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, triển lãm hội tụ những tác phẩm vượt thời gian của những họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Những tư liệu quý giá lưu lại dấu ấn của một thời kỳ kháng chiến gian khổ nhưng đầy hào hùng của quân dân miền Nam được thể hiện qua 63 ký họa tái hiện sống động thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam.

Bộ sưu tập 28 tranh đả kích và tranh cổ động của họa sĩ Trần Văn Nam, Phan Phương Trực với chủ đề về sự thất bại thảm hại của chiến lược chiến tranh của Mỹ và động viên tinh thần đoàn kết, quyết chiến quyết thắng, lao động hăng say của quân dân Việt Nam tiêu diệt quân xâm lược.

Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu 66 tác phẩm hội họa và điêu khắc bằng nhiều chất liệu, đa phong cách về đề tài chiến tranh cách mạng, xây dựng quê hương, tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em được giới thiệu trong bộ sưu tập mỹ thuật đương đại.

Đặc biệt, 22 tác phẩm trong bộ sưu tập mỹ thuật Sài Gòn trước năm 1975 thể hiện nỗi buồn chiến tranh, ước vọng hòa bình, vẻ đẹp con người trong cuộc sống và còn nhiều những tác phẩm nổi tiếng của các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tú Duyên, Quách Phong, Trần Nguyên Đán, nhà điêu khắc Đinh Rú… Triển lãm mở cửa đến hết tháng 10/2011.

Nhân dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng chính thức khai trương khu nhà trưng bày mới với tổng diện tích 1.500m2 để phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước./.

(Gia Thuận | TTXVN)