Họa sĩ Uyên Huy -
Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM- rất bức xúc khi bị cho là “đạo văn” trong một
cuốn sách mà ông đã viết từ năm 2006 đến cuối 2011 mới được xuất bản. Thực hư
của chuyện “đạo văn” này ra sao?
TT&VH ngày 7/1/2012 đăng bài
về cuốn sách Mỹ thuật ở Sài Gòn - TP.HCM (NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM ấn hành
quý 4/2011) trong đó nêu ý kiến của ông Phạm Hoàng Quân “tố” một số nội dung
“đạo” cuốn Văn hóa và nghệ thuật người Hoa TP.HCM do ông Quân chấp bút (Trung
tâm Văn hóa TP.HCM xuất bản 10/2006).
Sau khi TT&VH phát hành, họa
sĩ Uyên Huy (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM) và ông Trương Phi Đức (Phó Hiệu
trưởng phụ trách ĐH Mỹ thuật TP.HCM) hết sức ngạc nhiên. Họa sĩ Uyên Huy đã tìm
cuốn sách ghi tên ông là tác giả và cho rằng: “Nói chúng tôi đạo văn thật là
oan, danh dự cá nhân bị vi phạm nghiêm trọng!”.
Theo thông lệ, khi NXB ấn hành
sách thì luôn có sách biếu và nhuận bút cho tác giả. Thế nhưng, họa sĩ Uyên Huy
khẳng định ông không hề biết về sự ra đời đứa con của mình vì không hề có sách
biếu hay thông báo của NXB.
Uyên Huy cho biết: “Cuối năm
2005, nhà lý luận - giảng viên Trương Phi Đức đã ký hợp đồng với NXB Văn hóa Sài Gòn nhận tập hợp người để
viết trả lời “100 câu hỏi về hội họa Sài Gòn - TP.HCM” hiện in thành sách Mỹ
thuật ở Sài Gòn - TP.HCM. Đại diện NXB Văn hóa Sài Gòn ký hợp đồng với thầy
Trương Phi Đức là Bà Đỗ Thị Phấn - Giám đốc, hợp đồng mang số 110/HĐ, ký ngày 10/10/2005. Với tư
cách là người được thầy Trương Phi Đức phân công trả lời hơn 50/100 câu hỏi,
trong đó có ba câu về mỹ thuật người Hoa (câu 59, 61, 63 in trong sách), tôi
xin khẳng định rằng: Từ khi giao xong bản thảo (năm 2006) cho đến nay, tôi
không biết tin tức gì về quyển sách. Tôi không biết quyển sách xuất bản vào lúc
nào. Thầy Phi Đức, là người trực tiếp ký hợp đồng cũng không được thông báo gì
về bài vở mà tôi đã viết, kể cả việc xuất bản.”
Về ba câu hỏi đáp 59, 61, 63 in
trong sách được cho “đạo” phần trả lời của Phạm Hoàng Quân, họa sĩ Uyên Huy
khẳng định: “Phần trả lời in trong sách của các câu 59, 61, 63 không phải do
tôi viết mà do NXB đã thây đổi hoàn toàn câu trả lời của tôi. Có lẽ NXB không
hài lòng với nội dung trả lời của tôi nên đã tìm nội dung khác thay thế”.
Nhà lý luận - giảng viên Trương
Phi Đức cũng khẳng định: “Tôi đã đối chiếu thì nội dung trong sách vừa xuất bản
không giống như bài viết của thầy Uyên Huy đã giao cho tôi”.
Họa sĩ Uyên Huy học mỹ thuật tại Sài
Gòn từ năm 1964, ông có 35 năm giảng dạy tại ĐH Mỹ thuật TP.HCM, được phong
tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Ông bức xúc: “Tôi vốn là người sống, làm việc
tại Sài Gòn từ xưa cho đến nay, ông Tú Duyên và ông Đới Ngoạn Quân đều là thầy
cũ của tôi. Hơn nữa tôi ở Hội Mỹ thuật TP.HCM ba nhiệm kỳ, danh sách hội viên
chuyên ngành, câu lạc bộ tôi đều biết rất rõ. Thế thì tại sao tôi lại viết sai
tên hai người thầy của mình khi trả lời ba câu hỏi về mỹ thuật người Hoa?! Điều
cực kỳ phi lý là tại sao tôi lại liệt tên thầy Tú Duyên (vốn là nghệ sĩ lãnh
vực đồ họa) vào lực lượng họa sĩ người Hoa với tên là Hạ Tú Duyên? Không lẽ
thầy dạy của tôi mà tôi lại lãng quên một cách kỳ cục như vậy!”.
Kiện ai?
Họa sĩ Uyên Huy đã gửi thư giải
trình, khiếu nại đến Ban giám đốc NXB Văn hóa Sài Gòn. Tuy nhiên, NXB Văn hóa
Sài Gòn nay đã nhập với một NXB khác để trở thành NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM.
Với Ban giám đốc mới, không biết ai sẽ trực tiếp trả lời về vụ “đạo văn” này?
“Là những người làm công việc
giảng dạy, chúng tôi rất không hài lòng về sự tắc trách, bội tín trong vụ việc
này. Chúng tôi nghĩ rằng NXB phải có trách nhiệm giải thích sự việc cho độc giả
báo TT&VH và có trách nhiệm trước uy tín của cá nhân tôi” - họa sĩ Uyên Huy
bộc bạch.
Theo hợp đồng được ký giữa ông
Trương Phi Đức và NXB Văn hóa Sài Gòn, thì tổng trị giá cho việc trả lời 100
câu hỏi là 25 triệu đồng. Nhưng mãi cho đến năm 2012 này, NXB mới chỉ giao cho
ông Trương Phi Đức 10 triệu đồng. Hiện hợp đồng này ông Phi Đức còn giữ. Bản
thân họa sĩ Uyên Huy, cho đến ngày hôm nay mới chỉ nhận 4 triệu đồng tiền ứng
viết bài từ ông Trương Phi Đức.
(Hoàng Nhân | TTVH)
No comments:
Post a Comment
Thank you for writing!