TÚ DUYÊN :: THỦ ẤN HỌA

A dedicated website has been launched by a fan. Created to highlight the work of woodblock printmaking, an art form and prints of highest artistic stage by Vietnamese artist Tu-Duyen!

“…Thủ ấn họa đã tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ khiến người coi cảm thấy có những sắc màu riêng biệt thích hợp với tâm trạng từng lúc, từng khi. Cái đó là do theo nguồn cảm hứng của họa sĩ tạo nên. Họa sĩ ấy là ai? Là TÚ DUYÊN vậy…”

Sunday, February 28, 2010

TRIỂN LÃM 10 NĂM HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN VIỆT HỌC

Mười năm trong lãnh vực văn hóa là một thời gian quá ngắn ngủi, nhưng với Viện Việt Học thì mười năm qua viện đã làm được một công trình khá to lớn là duy trì và triển khai văn hóa Việt Nam tại hải ngoại.

Vào sáng Thứ Bảy, tại trụ sở của Viện Việt Học ở thành phố Westminster, cuộc triển lãm của Viện Việt Học đã khai mạc với sự có mặt của các giáo sư, nhân sĩ trí thức và các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam trong và ngoài viện từ nhiều nơi về cùng với rất đông giới truyền thông báo chí tại Nam California.

Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, một thiện nguyện viên đến với Viện Việt Học từ nhiều năm nay đã thay mặt ban tổ chức giới thiệu tổng quát về nội dung cuộc triển lãm của viện nhân dịp kỷ niệm mười năm.

Trong một gian phòng không lớn lắm nhưng đã như cả một kho tàng kiến thức cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ hải ngoại, Giáo Sư Quân đã giới thiệu đến mọi người những tác phẩm hiếm quí mà viện đã sưu tập được, những tài liệu về nền văn hóa cổ và cận đại của Việt Nam, những bản viết chữ nôm về những tác phẩm văn học lớn của VN và đồng thời cũng giới thiệu những công trình sưu tập, nghiên cứu của các giáo sư trong viện hay cộng tác với viện. Tất cả những tác phẩm, tài liệu hiếm quí này một phần được trưng bày trên hai dẫy bàn dài chiếm hết chiều dài căn phòng, một số khác được bày trong những tủ kính có khóa.

Trên những bàn trưng bày tài liệu là một vài bình bông hay những chậu lan quí mà nhà trồng lan nổi tiếng, ông Ngô Long, cho biết, “Ðây là những loại lan hiếm mà chúng tôi sưu tầm được ở Việt Nam, ở Úc và một vài nơi khác. Lan có mặt hôm nay bên những tài liệu quí hiếm này là mong tỏa thêm hương sắc vào nền văn hóa VN mà những tài liệu sách báo quí hiếm này thể hiện.”

Cũng bên những giò lan quí là những bức tranh lụa của họa sĩ Tú Duyên mà một học trò của họa sĩ là họa sĩ Văn Mộc còn lưu giữ được. Tranh lụa Tú Duyên là một lối vẽ đặc thù rất thanh thoát nửa có tính cách phương Tây và nửa lại là phương Ðông mà họa sĩ Tú Duyên đã thể hiện gần như độc quyền vì sau Tú Duyên ít thấy có họa sĩ nào theo được bước chân của họa sĩ. Bên cạnh đó là một số tranh mộc bản Việt Nam mà những nghệ nhân VN đã mất rất nhiều công phu phục chế hay mô phỏng lại. Tranh mộc bản là thứ tranh được in từ những tấm khắc gỗ mà người họa sĩ đã thể hiện lên gỗ rồi in lên những tấm giấy đặc biệt thường được chế biến từ cây Dó, một loại cây xưa thường để chế biến ra loại giấy in tiền giấy của phương Tây.

Nổi bật giữa phòng là cái trống đồng nay đã như biểu tượng cho nền văn minh hơn 4 ngàn năm văn hiến Việt Nam. Cái trống đồng này theo ban tổ chức và cả Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích có mặt đều không khẳng định là loại trống đồng Ðông Sơn hay trống đồng Ngọc Lũ. Chỉ biết đó là do cụ Hoàng Hoán, một vị cao niên rất thiết tha đến nền văn hóa cổ của chúng ta gửi đến tham dự. Theo vị đại diện cụ Hoàng Hoán thì đây là chiếc trống của một nhà sưu tầm cổ vật ở trong nước đã chuyển cho cụ Hoàng Hoán khi cụ được đi định cư ở Hoa Kỳ, với tâm nguyện rằng khi đến Hoa Kỳ cụ Hoàng Hoán phải cố gắng với những phương tiện khoa học tại Hoa Kỳ mà phục chế lại chiếc trống cổ này. Và cụ Hoàng Hoán đã không phụ lòng nhà sưu tầm cổ vật. Chiếc trống đồng đã được phục chế nhưng vành trống đã mờ hết những hình tượng sinh hoạt của người Việt cổ không thể phục chế được.

Trong số những sách báo tài liệu được trưng bày, có nhiều tác phẩm, tài liệu mới được các học giả đem đến nhân cuộc triển lãm này. Như cuốn ghi bản “Ðiều Trần của Nguyễn Trường Tộ” bằng chính văn do Giáo Sư hán nôm Ðoàn Khoách mang tới. Ðây là một tài liệu quí và thật ý nghĩa cả cho đến ngày nay. Bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ ghi chép trình lên Vua Tự Ðức nhà Nguyễn những điều tai nghe mắt thấy, khi ông đi sứ sang Pháp như ngọn đèn treo ngược mà vẫn cháy (đèn điện), xe có hai bánh (xe đạp) mà chạy được v.v... để mong mỏi nhà vua và các quan trong triều mau mau ra khỏi sự “bế quan tỏa cảng” mới tránh khỏi bị nô lệ.

Hai tác phẩm thật quí do Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích góp vào viện là cuốn “Bibliotheca Indosinica” gồm 5 tập nay in lại thành 3 tập của tác giả Cordier từ năm 1912. Ðó là một thư mục có tất cả những gì mà Tây phương viết về xứ Ðông Dương (Việt, Miên, Lào) và Nam Á. Trong tập thư mục này có ghi đến hơn 20 tác phẩm của học giả Petrus Trương Vĩnh Ký. Bộ sách thứ hai, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích mang tới cho viện, là bộ Bách Khoa Tự Ðiển về Ðông Dương có nội dung đáng giá về đất nước VN cho đến năm 1937.

Một vị khác là Giáo Sư Nguyễn Văn Khanh cũng mang đến bộ tạp chí rất quí ít ai còn giữ được. Ðó là bộ “Mông Cổ Mím Ðàm” của các nhà nho tân học chủ trương từ năm 1901. Rất nhiều bài viết đề cập đến thương mại, nông tang để giúp cho đất nước được phát triển trù phú mà thoát khỏi ách nô lệ của Pháp. Cũng như nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Tuấn Khanh cũng đóng góp cho viện, bộ tạp chí của Phủ Quốc Vụ Khanh thời Ðệ I Cộng Hòa, một bộ tạp chí hầu như không còn ngay cả trong các thư viện ở VN.

Trong dịp này Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, cựu viện trưởng và hiện là cố vấn của viện, cũng đã đề cập đến công trình của những người đi trước mà “qua cuộc triển lãm này chúng ta thấy được sự lớn mạnh của lớp người đi trước. Nay chúng ta mong muốn giữ lại được phần nào quá khứ đã trôi qua mất những công trình của người đi trước từ những người xếp chữ trong nhà in vào lúc khởi đầu nghề in ở VN cho đến những cặm cụi tận tụy của nhiều người trong tầng lớp sĩ phu lúc bấy giờ.”

Ðề cập đến công trình của người xưa, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh cũng đề cập đến công việc gọi là “Ðiển chế” chữ nghĩa trong việc soạn thảo Tự vị hay tự vựng mà nay chúng ta đều gọi là Tự Ðiển. Chữ nghĩa là tiếng nói của toàn dân. Nó không là của một chế độ nào hay nhóm cá nhân nào. Trong lịch sử trung Hoa đã có đến 3 thời kỳ nhà cầm quyền xâm phạm vào việc điển chế văn tự. Ðó là thời Tần Thủy Hoàng, thời nhà Thanh với những người chinh phục được Trung Hoa tộc Hán với tự điển Khang Hy và mới đây là thời Mao Trạch Ðông đã điển chế văn tự làm những chữ mới cho thế hệ trẻ không còn đọc được sách cổ...

Vẫn theo Giáo Sư Trần Ngọc Ninh thì chúng ta đã có những bộ tự điển được soạn bởi những học giả với sự cộng tác của Bộ Giáo Dục xét lại tổng quát trước trào lưu tiến hóa của nhân loại, sự phát triển của khoa học mà ngôn ngữ chúng ta chưa có đủ. Công trình của Giáo Sư Nguyễn Văn Thới và các giáo sư tại đại học ở miền Nam đã cập nhật hóa được các danh từ khoa học, chuyên khoa, triết học và cả văn chương cho ngôn ngữ VN. Tất cả những điều này viện hiện đang lưu trữ được.

Một người tới xem triển lãm, ông Tăng Vĩnh Thành, nói với báo Người Việt, “Muốn tìm hiểu về văn hóa VN để hướng dẫn cho ba đứa con, một đứa 15 tuổi học Việt ngữ Hồng Bàng thường hỏi nhiều câu về văn hóa VN mà tôi chẳng biết phải trả lời con ra sao. Nên được biết có cuộc triển lãm này, tôi mong đến ghi nhận được một căn bản văn hóa Việt vì khi ra đi khỏi VN tôi mới có 7, 8 tuổi chưa lãnh hội được gì văn hóa của mình. Nhưng thấy những sách báo tài liệu như thế này, tôi sợ không biết có đủ thì giờ mà tìm hiểu không.”

Viện Việt Học tọa lạc tại địa chỉ 15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, cùng khu thương mại với nhà hàng Seafood World.

(Nguyên Huy | Người Việt)

No comments:

Post a Comment

Thank you for writing!