Lần đầu tiên Quận San Diego cũng tuyên bố ngày
Thứ Bảy 3-6-2006 là Ngày Hiệp Hội Người Việt San Diego (Vietnamese Federation
of San Diego Day). Đây thực là một vinh dự cho Hiệp Hội và cộng đồng. Vì vậy HH
đã quyết định mời toàn thể đồng hương đến dự lễ tiếp nhận Quyết nghị này trong
dịp lễ khai mạc Ngày Văn Hóa và Y tế Cộng Đồng. Hơn một trăm người đã đến tham
dự trong không khí rất trang nghiêm, long trọng. Một phái đoàn từ Santa Ana
cũng xuống chung vui với chúng ta. Xin độc giả đón đọc bản tường trình riêng về
buổi lễ này.
Sinh hoạt văn hóa gồm có các bộ môn hội họa,
nhiếp ảnh, nghệ thuật cắm hoa, non bộ và cây cảnh, dạ vũ và trình diễn văn
nghệ. Mở đầu, họa sĩ Duyên Hà Lê Phục Thủy thuyết trình về đề tài “Hội Họa Việt
Nam Xưa và Nay” trước một cử tọa chọn lọc. Ông nói: “Họa sĩ là người dùng thị
giác làm phương tiện để thể hiện và truyền thông vẻ đẹp”. Ông đã trình chiếu
gần 100 hình chụp các họa phẩm với lời thuyết minh.
Hội họa Việt Nam ngày xưa là các hình vẽ trong
hang động, hình khắc trên trống đồng và bức chân dung của Nguyễn Trãi… Tiếp đến
là các tranh dân gian gồm các tranh Hàng Trống thanh lịch, tranh Đông Hồ bình
dân, tranh Làng Sình tân tiến. Hình họa trong 4000 bức của sưu tập Henri Oger
mô tả cảnh sinh hoạt của dân ta vào đầu thế kỷ 20 một cách chính xác. Khán giả
đã có dịp cười thoải mái với hai cảnh hoạt kê trong tranh Ðông Hồ “Ðánh ghen”.
Trong bức thứ nhất, đứa con về phe bố, cố níu áo mẹ không cho cắt tóc bà vợ lẽ.
Trong bức thứ hai, đứa con về phe mẹ đang ném đá vào bà dì ghẻ!
Sự thành lập Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương
đã thay đổi bộ mặt của hội họa Việt Nam. Họa sĩ tốt nghiệp từ trường này nhiều
người nổi danh như Tô ngọc Vân, Giám Đốc người Việt đầu tiên thay thế GS
Tardieu và đã tử trận khi tham gia trận Điện Biên Phủ năm 1954, Lê văn Đệ, Giám
đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật thời Việt nam Cộng Hòa, Lê Phổ có danh tiếng quốc
tế, Tạ Tỵ nổi tiếng với tranh lập thể, Nguyễn gia Trí, người đã đưa tranh sơn
mài lên mức nghệ thuật cao, cũng như các danh hoạ lừng danh một thời như Lê thị
Lựu, Nguyễn phan Chánh, Trần văn Cẩn, Nguyễn tường Lân (Thạch Lam), Bùi xuân
Phái…
Hội họa Việt Nam ngày nay được trình chiếu với
tranh của các họa sĩ ở cả hai miền Nam, Bắc trước và sau 1975. Trước 1975, tại
miền nam, Hội “Họa sĩ trẻ” và các cuộc “Triển lãm mùa xuân” là những sinh hoạt
rất khởi sắc với các tên tuổi Nguyên Khai, Bé Ký, Hồ thành Ðức, Nguyễn thị Hợp,
Nghiêu Ðề….Ðây cũng là nhóm họa sĩ nòng cốt sau này ở Hoa kỳ. Các danh họa Thái
Tuấn, Nguyễn gia Trí, Tú Duyên …đã gây được sự chú ý trên trường quốc tế. Ngoài
Bắc, số họa sĩ thuộc nhóm Trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương cũ và các lớp trẻ
ít có sáng tác xuất sắc vì phần lớn phải vẽ theo nhu cầu chính trị và thiếu
phương tiện. Sau cùng họa sĩ Việt Nam ở hải ngoại cũng góp phần lớn trong việc phát
triển hội họa Việt Nam cùng với lớp họa sĩ trẻ tại Việt Nam ngày nay.
Một số tranh của các lớp họa sĩ này như Nguyễn
Việt, Hồ Anh, Ann Phong, Ðèo Chính Mung …tại Hoa kỳ và Lương xuân Ðoàn, Trần
trọng Vũ, Trịnh công Sơn sinh sống tại Việt Nam cũng đã được trình chiếu. Vì
thiếu tài liệu và thì giờ có hạn nên diễn giả đã xin lỗi không có dịp đề cập
đến một số họa sĩ có danh tiếng như ViVi, Võ Ðình, Nguyễn Quỳnh, Ðinh Cường…
Sau cùng diễn giả đề cập đến những khó khăn trực
diện họa sĩ : sự xuất hiện của ảnh đen trắng đã tước bỏ độc quyền mô tả ngoại
giới bằnh hình ảnh và ảnh màu đã lấn át độc quyền dùng màu sắc của hội họa.
Điện ảnh sống động lấn át vẻ đẹp trong tĩnh lặng của hội họa. Gần đây video còn
mạnh hơn điện ảnh vì rẻ tiền và phổ biến hơn, cá nhân nào cũng sử dụng được.
Cuối cùng máy điện toán có thể làm biến đổi các hình ảnh thực tế, cũng vẽ “ma”
được như họa sĩ! Họa sĩ đã phải quay về với nội tâm để khám phá những khao khát
vẻ đẹp muôn đời của con người, và diễn tả bằng những hình thức mới. Diễn giả
nhận xét: “Nếu không có họa sĩ thì đời sống tẻ nhạt đến chừng nào!” nhận xét đó
cũng áp dụng cho các nghệ sĩ thuộc bộ môn khác như nhiếp ảnh, điện ảnh, cắm
hoa, âm nhạc….
Sau phần thuyết trình, hoạ sĩ Nguyễn Văn Mộch
trình bày về cách in mộc bản của ông cha ta, rồi mời mọi người tự tay in những
tranh mộc bản với những bản khắc gỗ, giấy bản và mực đen. Khán giả hưởng ứng
nồng nhiệt. Dưới sự hướng dẫn của ông, những bức tranh thơm mùi mực đã được
sáng tác để làm kỷ niệm mang về nhà trong niềm hân hoan của các “họa sĩ” mới ra
nghề!
Hội trường Trụ sở Hiệp Hội cũng đã trang hoàng
thật trang nhã với hơn 30 bình hoa tươi thắm trình bày rất nghệ thuật của các
nghệ sĩ trong Hội Nghệ Thuật Cắm Hoa, các bà Lê Ngọc Châu, Hồng Phúc và Đào
Giao Chi. Tham dự triển lãm hội họa kỳ này là các họa sĩ Vivi, Đơn Sa (Diễm
Châu), Tạ Đức Ngây, Văn Mộch và Duyên Hà. Mỗi người một sắc thái: Tranh Vivi bố
cục rất đẹp, màu sắc cổ kính. Đơn Sa thuần nhã. Tạ Đức Ngây vẽ bằng muội đèn
rất “hiện thực”, dễ mến. Văn Mộch sử dụng ít màu sắc , tuy dùng sơn dầu mà
phảng phất ý vị của tranh thủy mạc, đối lập hẳn với Duyên Hà dùng mầu sắc tươi
vui diễn tả cảm xúc bén nhạy thoáng qua khi vẽ ngoài trời, tức cảnh sinh tình.
Ảnh khá nhiều và mang tích chất nghệ thuật cao, phần lớn của các nhiếp ảnh gia
thân hữu của ông Lê công Nghiệp như Thái Đức Nhã... Ngoài ra ông Nguyễn văn
Vĩnh cũng trình bày nhiều hòn Non bộ và cây cảnh rất công phu.
Ngày thứ bảy kết thúc bằng một buổi dạ vũ rất
thành công với trên 300 người tham dự, trong số có nhiều sinh viên trẻ. Vào cửa
miễn phí, với thiệp mời của Hiệp Hội dành cho tất các đồng hương nào muốn dự dạ
vũ. Không khí thật tưng bừng và hoàn toàn thanh lịch. Hai ban nhạc The Rose và
SilverSound chơi nhạc “tour” chen lẫn các bản nhạc dành cho tuổi trẻ rất đặc
sắc. Ngoài tiếng nhạc hào hứng, dạ vũ thành công lớn cũng nhờ tiếng hát điêu
luyện của các ca sĩ Tuấn Anh, Thanh Hằng, Thanh Trúc, Thúy Vân, Thu Hồng, Thi
Nga, Thy Tự, Dương Nghi, Minh Tuấn…Dạ vũ khai mạc đúng giờ từ 8:30 tối.
Trong nửa giờ giải lao, kỹ sư Trần Hùng Tiết,
Trưởng ban tổ chức đã trình bày việc tái hoạt động của đài truyền hình VIET-PBS
trên băng tầng 19, Time Warner Cable, từ 6:30-7:00 tối thứ tư và chủ nhật kể từ
11 tháng 6 năm 2006. Ngoài ra, Các người tham dự dạ vũ cũng
có dịp thưởng thức các bình hoa nghệ thuật, tranh, ảnh, non bộ và cây cảnh tại
hội trường.
Dạ vũ kết thúc vào lúc 12:00 giờ đêm trong sự
hân hoan của mọi người, hẹn tái ngộ tại Trụ sở Hiệp Hội trong lần dạ vũ tới, có
lẽ vào thu khi thời tiết đã mát mẻ.
Ngày chủ nhật 4-6-2006 có hai sinh hoạt chính đã
thành công mỹ mãn. Ngày Y tế Cộng Ðồng với trên 300 đồng hương tham dự và buổi
trình diễn văn nghệ Vương Màu Kỷ Niệm 2 với hơn 100 người yêu thích văn nghệ.
Xin đón xem các bài tường trình riêng về Ngày Y tế và buổi trình diễn văn nghệ.
(Lê Phục Thủy)
No comments:
Post a Comment
Thank you for writing!